“Tinh hoa bách nghệ” là chương trình truyền hình tôn vinh các ngành nghề trong đó có Nghề truyền thống lẫn Nghề hiện đại mang đậm nét đẹp riêng và giá trị văn hóa nhất định. Mỗi nghề là một câu chuyện giới thiệu đến cộng đồng và bạn bè quốc tế gần xa những bức tranh sống động về con người, thiên nhiên, văn hóa Việt qua cách thể hiện linh động từ ký sự, phóng sự thực tế hoặc nhân vật trải nghiệm.
Chương trình "Tinh hoa bách nghệ" được phát sóng vào 19h40 - 19h50 vào thứ 5 hàng tuần trên kênh THVL1. Mỗi tập phim “Tinh hoa bách nghệ" sẽ là câu chuyện được dẫn dắt nhẹ nhàng, gần gũi bởi những nhân vật trải nghiệm khác nhau từ các MC; Du khách trải nghiệm...
Làng nghề se nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM đã có tuổi đời hơn trăm năm. Đây là một trong những nơi sản xuất nhang lớn nhất và lâu đời nhất khu vực Nam Bộ. Mặc dù nghề vẫn còn tồn tại những khó khăn như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, giá nguyên liệu đầu vào cao, nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, giữ gìn nghề truyền thống lâu đời của ông cha. Bằng sự nỗ lực không ngừng đổi mới của các hộ dân, làng nghề vẫn giữ được vị thế của mình trên thị trường. Hiện tại, làng nghề se nhang có 2 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác, với tổng số lao động tham gia vào các tổ hợp tác là khoảng 124 thành viên. Làng nghề nơi đây có 2 hình thức sản xuất chính, đó là se nhang thủ công và sử dụng máy phóng nhang tự động. Tuy nhiên hình thức se nhang thủ công hiện nay còn rất ít hộ sử dụng bởi năng suất không cao. Các hộ dân hiện nay chủ yếu đầu tư dùng máy phóng nhang tự động, và sản xuất nhang theo đơn đặt hàng. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là nhang vòng và nhang dạng cây có đủ kích cỡ.
Làng nghề se nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. HCM
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đến với Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), đây là một trong những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng khắp cả nước và được xem là cái nôi nghề sơn mài của tỉnh Bình Dương. Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận: Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát huy. Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Ðông. Từ nguyên liệu gỗ, kết hợp với sơn dầu, một loại chất liệu có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền, người thợ đã tạo nên lớp men đen bóng đặc trưng cho những tác phẩm sơn mài Bình Dương. Có thật sự chứng kiến mới thấy, mỗi sản phẩm ở đây là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, óc sáng tạo và cái nhìn tinh tế của người thợ.
Các sản phẩm của Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Sơn mài Tư Bốn)
Từ bao đời nay, chiếc nón lá đã trở thành người bạn thân thiết của người dân quê – đồng hành ra đồng, ra ruộng, che nắng, che mưa và góp phần làm nên vẻ đẹp mộc mạc rất riêng của người Việt. Nghề chằm nón lá tại xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An chính là câu chuyện đầy thú vị mà chương trình muốn chia sẻ với các quý vị khán giả. Đây là một nghề truyền thống được bà con gìn giữ và phát triển trong những lúc nông nhàn. Không chỉ là một sinh kế, chằm nón lá còn là nét văn hóa, là cách người dân giữ gìn hồn quê qua từng thế hệ. Nón lá An Ninh Tây nổi tiếng bởi độ bền, khéo léo từ chính đôi bàn tay lành nghề của những người thợ thủ công chính hiệu.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố văn hóa, nón lá còn mang tiềm năng phát triển kinh tế bền vững cho người dân nông thôn. Khi được thiết kế đa dạng hơn, kết hợp với các giá trị mỹ thuật, thời trang và du lịch, nón lá có thể trở thành sản phẩm thủ công cao cấp – xuất hiện trong quà tặng, sản phẩm decor, phụ kiện trình diễn hay hàng lưu niệm cho khách hàng. Và nghề làm nón từ dó tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần làm giàu cho người dân vùng quê, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Những chiếc nón lá bây giờ không chỉ “che nắng che mưa”, mà còn có thể “che chở” cho cả một làng nghề vươn lên bằng chính bàn tay cần mẫn và trái tim yêu nghề.
Làng nghề chằm nón lá ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng chương trình Tinh Hoa Bách Nghệ đi khám phá quy trình làm ra những chiếc bánh tráng, tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM nha. Nghề làm bánh tráng không chỉ là sinh kế mà còn là kết tinh của sự khéo léo, kiên nhẫn và tình yêu với đất – với hạt gạo. Mỗi chiếc bánh tráng không chỉ dùng để cuốn gỏi, gói nem, mà còn gói ghém theo cả nỗi nhớ quê trong lòng bao thế hệ người con xa xứ. Từng cái nia, cái cối, lò đất, nồi tráng bằng đồng… tất cả những vật dụng mộc mạc này không chỉ là công cụ làm nghề, mà còn là những chứng nhân lặng lẽ của một thời. Ông bà ta ngày trước khi chưa có máy móc hiện đại, chỉ bằng đôi tay và sự tỉ mỉ, cần mẫn, nhưng đã tạo nên những chiếc bánh tráng mỏng tang, dẻo dai, thơm mùi gạo mới – nuôi cả gia đình, giữ gìn một nghề quê hương truyền đời.
Chị Hồ Quế Châu bên lò làm bánh tráng ở Làng bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM
Giữa nhịp sống hiện đại ngày càng vội vã, thì tại các làng nghề những người thợ vẫn đều đặn chăm chỉ tạo ra các sản phẩm mà mỗi sản phẩm đều có ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bên cạnh các công việc làm theo cách truyền thống thì các làng nghề dần chuyển đổi sang sản xuất với sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại nhưng vẫn giữ gìn những nét đặc trưng vốn có của những thế hệ trước để lại. Hẹn gặp lại quý vị khán giả trong hành trình khám phá tiếp theo của chương trình “Tinh Hoa Bách Nghệ” vào lúc 19h40, chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1.