Đi câu cá bị điện giật ngã xuống nước, anh M. may mắn được người đi cùng vớt lên, cơ thể có nhiều vùng tổn thương bỏng do điện, đặc biệt là vùng mặt, cổ.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cho biết, thời gian gần đây các bác sĩ của trung tâm liên tiếp nhận và cấp cứu cho hai trường hợp bị bỏng nặng do đi câu cá bị điện giật.
Trường hợp đầu tiên là anh D. (35 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nhập viện cấp cứu do bị điện giật gây bỏng nặng. Anh D. cho biết, bất ngờ thấy ánh sáng lóe lên kèm theo tiếng xẹt, sau đó anh bất tỉnh không còn biết gì nữa.
"Khi tỉnh dậy, chân tay đau rát do bỏng, người tôi ướt nhẹp do mọi người dội nước để cấp cứu. Sau đó tôi được mọi người chuyển đến trạm y tế trước khi vào viện", anh D. chia sẻ.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị điện giật gây bỏng nặng.
Trường hợp thứ 2 là anh M. (25 tuổi, trú huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cũng phải nhập viện cấp cứu do bị điện giật. Trước đó, trong lúc câu cá gần đường điện trung thế, anh M. bị điện giật, choáng váng ngã nhào xuống nước.
May mắn anh M. được người đi cùng vớt lên, cơ thể có nhiều vùng tổn thương bỏng do điện, đặc biệt là vùng mặt, cổ nên đưa vào viện cấp cứu và điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diện - Khoa cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê) cho biết, hai bệnh nhân trên đều có tổn thương bỏng độ I, II, III tại nhiều vùng cơ thể do tia lửa điện.
Ngoài điều trị, chăm sóc tổn thương bỏng, điều cần quan tâm tiếp theo là hội chứng tiêu cơ vân, hội chứng này thường gặp sau chấn thương, sập hầm, đổ nhà, động đất, bỏng diện tích lớn, bỏng do điện giật hoặc sét đánh... tiêu cơ vân khiến người bệnh bị rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.
Vùng mặt và cổ bệnh nhân bị bỏng nặng do bị điện giật.
Do đó, các trường hợp bị điện giật, kể cả những trường hợp không tìm thấy tổn thương bằng mắt thường cũng cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên lưu ý tránh xa khu vực đường điện cao thế để tránh nguy cơ bị điện giật. Người bị điện giật thường dẫn đến rối loạn nhịp nặng nề, thậm chí ngừng tim nhanh chóng, việc cấp cứu ban đầu tại chỗ, tại tuyến y tế cơ sở rất quan trọng, sau đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị.
Thời gian từ khi tái lập tuần hoàn tự nhiên đến khi tiến hành hạ thân nhiệt tốt nhất là dưới 6 giờ. Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tử vong và tàn tật sau ngừng tuần hoàn là những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn còn thấp.
Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy (hay hạ thân nhiệt chủ động) giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để chống viêm/phù não, bảo vệ não và các mô, cơ quan.
Nam Anh