Dành ra 3 năm “ngang dọc” nước Mỹ, nhà báo Jessica Bruder đã viết nên cuốn sách từ việc tiếp xúc với những du dân, phỏng vấn và lắng nghe họ. Cõi người dưng là bức tranh toàn diện về những con người sống đời khác biệt.
Bám theo Linda May - người phụ nữ 64 tuổi - Bruder lần theo nhiều mảnh đời khác: những người phải chen chúc trong căn nhà chung với khoản trợ cấp nhỏ nhoi và những khoản nợ đến kỳ hạn… Để thoát cảnh túng quẫn, họ chọn sống trên những chiếc xe để cắt tiền thuê nhà. Họ là một kiểu bộ lạc du mục, gồm những du dân - người không nhà (houseless), chứ không phải vô gia cư (homeless). Họ kiếm sống từ công việc thời vụ, để được đổ xăng và có chỗ đậu xe.
Theo hành trình của những du dân, Bruder dẫn dắt độc giả đến những khu cắm trại xa tít trên núi hay vùng Amazon… Nhưng đó không phải là “cuộc phiêu lưu” kỳ thú, mà là cuộc sống lao động cực nhọc, thậm chí có thể mất mạng, bị bóc lột sức lao động và không một ai đứng về phía họ.Dù thế, những nhân vật của Bruder vẫn luôn có nụ cười trên môi.
Hiểu được ý nghĩa của cuộc đời này, họ sống vui tươi và gần thiên nhiên đến không ngờ. Họ tự sửa chữa, tân trang lại “nhà” của mình. Với những giờ dài phía sau vô lăng, họ ca hát và cùng vui đùa với thú cưng. Sống đời bôn ba nên họ gần với thiên nhiên hơn bất kỳ ai, hướng vào nội tâm, cân bằng được nhiều khía cạnh… từ đó chữa lành cho bảnthân mình.
Cũng như phân đoạn hư cấu trong phim chuyển thể, khi người du cư làm vỡ chiếc đĩa quý giá, đạo diễn Chloé Zhao đã cho ta thấy họ cũng chính là những mảnh vỡ. Chịu tổn thương và những nỗi buồn nhưng khi được ghép lại, tìm về với nhau, họ càng hiểu thêm giá trị cuộc sống và sẽ vượt lên một cách mạnh mẽ.
Nếu như tác phẩm điện ảnh của Zhao là những khoảnh khắc có tính chữa lành thì trong trang viết có nhiều tự vấn của Bruder, người đọc sẽ hiểu thêm về hiện thực xã hội và những nguyên nhân khiến du dân “nổ máy lên đường”. Từng bị gọi là “bọn ăn chực”, “phường ăn bám”, “kẻ gieo bệnh”, “quân biếng nhác”… thế nhưng liệu đó có phải là điều họ muốn?
Bruder đã cho ta thấy sự mất cân bằng và bất bình đẳng về mức thu nhập đã tạo ra những hệ lụy này. Bong bóng kinh tế mỏng manh, xu hướng ưa chuộng sử dụng nhân công giá rẻ, lợi dụng lỗ hổng về các chính sách… đã giúp những ông chủ ngày càng giàu lên trong khi du dân cứ thế mệt nhoài.
Phần hay và chông gai nhất của tác phẩm này chính là câu hỏi Bruder tự vấn: “Rồi những người này sẽ đi về đâu? Họ sẽ sống mãi trên những chiếc xe, hay lúc nào đó sẽ dừng lại? Nhưng nếu như vậy thì nhà ở đâu?”.
Đi một vòng lớn để rồi nhận ra không có lời đáp nào cụ thể; có lẽ cuộc đời họ đang sống là cách thoát ly khỏi một hệ thống mà mình không còn niềm tin.
Ngô Minh