Cần sự chung tay xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

10/12/2022 11:00
Câu lạc bộ (CLB) 'Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống' của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là một trong những mô hình mang lại hiệu quả, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Sau 5 năm triển khai, từ 1 CLB ban đầu, đến nay, huyện Ea Súp đã triển khai được 4 mô hình và 2 CLB.

 

Cần sự chung tay xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Một buổi sinh hoạt CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” ở Ea Súp. Ảnh: Hoàng Linh

Buôn A2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp có 97% đồng bào dân tộc Gia Rai sinh sống. Đây là một trong những thôn, buôn có số người kết hôn trước độ tuổi theo quy định còn cao của huyện Ea Súp. Chị H’Sân Noi Siu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn A2 cho biết: Trước đây, trong buôn còn nhiều trường hợp kết hôn sớm, trẻ em gái mới 13-14 tuổi đã lấy chồng. Không ít cặp vợ chồng trẻ còn kết hôn cận huyết thống dẫn đến tình trạng những đứa trẻ sinh ra mắc các bệnh bẩm sinh. Trong các buổi họp buôn, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động người dân không nên cho con cái kết hôn sớm, phải đủ 18 tuổi đối với nữ, 20 tuổi đối với nam. Đặc biệt, không được để anh em họ hàng kết hôn với nhau, vì hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của thế hệ sau. Tuy nhiên, cách triển khai thực hiện còn chung chung nên hiệu quả không cao.

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp ra mắt CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” tại Chi hội phụ nữ buôn A2. Từ khi mới thành lập CLB đã thu hút 80 hội viên tham gia. Trong các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên về Luật Hôn nhân và gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt. Điều đáng mừng là từ khi triển khai mô hình đến nay, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn, đầu năm 2022 đến nay không có trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nào xảy ra.

Tương tự, xã Cư Kbang có 97% đồng bào các dân tộc từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm đa số. Theo phong tục, tập quán, bà con dân tộc Mông lấy vợ, sinh con rất sớm nên tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo và hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chọn thôn 15 để triển khai xây dựng mô hình điểm về “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Đặc thù bà con đi làm rẫy cả ngày nên cán bộ thôn, buôn, hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động vào buổi tối. Đến nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp cho biết, từ thành công của mô hình tại buôn A2, đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện. Một mô hình, CLB có trung bình từ 60-70 thành viên. Thông thường, CLB sinh hoạt 3 tháng/lần, thời điểm có nhiệm vụ đột xuất thì 1 tháng/lần. Thời gian dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người, các thành viên CLB sẽ đi đến nhà của người dân tuyên truyền.

Theo bà Phạm Thị Anh Minh, một năm ít nhất 2 lần, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp đi đến các thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp đang đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để mỗi hội viên là một tuyên truyền viên tích cực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của bà con trong thôn, buôn từng bước được nâng cao.

Ea Súp là huyện vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, 3 xã tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc phía Bắc. Ở mỗi địa phương, các cấp hội, đoàn thể, chính quyền địa phương có những hình thức tuyên truyền phù hợp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Được biết, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chú trọng triển khai các biện pháp linh hoạt. Với các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông đã và đang được triển khai, địa phương này đang quyết tâm thay đổi nhận thức, hành vi của bà con để chung tay xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo Nguồn baomoi.com

Cần sự chung tay xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Văn Hóa