Từ trái qua: ông Lê Viết Hải - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, bà Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, ông Trần Hoàng - tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - Ảnh: TRẦN MẶC
Buổi tọa đàm đã diễn ra vào sáng 5-10 tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM.
Bàn về thị trường sách hiện tại, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books - cho biết: “Sách về doanh nhân Việt Nam còn đang bày bán trên thị trường không quá 100 đầu sách. Trong khi đó, năm vừa rồi chúng ta xuất bản 33.000 đầu sách mới. Sách doanh nhân chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng đầu sách hiện nay.
Ngược lại, bước ra ngoài thế giới, những đầu sách bán chạy nhất hiện nay với số lượng phát hành hơn triệu bản là sách của doanh nhân viết. Đó cũng là những quyển sách đang bán rất chạy ở Việt Nam.
Điều đó có thể thấy được bạn đọc tại thị trường Việt Nam đều đang rất mong muốn được đọc sách của doanh nhân viết. Có điều chúng ta không có đủ số lượng và chất lượng để đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, việc giới hạn đầu sách doanh nhân như hiện tại nằm ở ba rào cản lớn.
Rào cản đầu tiên nằm ở tư duy cho rằng doanh nhân viết sách phải là người viết tốt, có khả năng điều khiển con chữ. Rảo cản thứ hai là việc các doanh nhân phần lớn đều nghĩ câu chuyện của mình rất nhỏ bé so với các nhân vật lớn trên thế giới cho nên không muốn viết ra. Cuối cùng, các doanh nhân thường lo lắng đến việc tác phẩm có được độc giả đón nhận hay không.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết Saigon Books là một trong những đơn vị xuất bản nhiều đầu sách doanh nhân nhất ở Việt Nam - Ảnh: TRẦN MẶC
Vì lẽ đó, tọa đàm Doanh nhân viết và viết về doanh nhân được tổ chức với mục đích khuyến khích, lan tỏa văn hóa đọc và viết trong giới doanh nhân và cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hoàng - tổng biên tập tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - chia sẻ: “Theo tôi, yếu tố cần thiết khi viết về dòng sách doanh nhân là câu chuyện hay kinh nghiệm của doanh nhân. Khi những câu chuyện và kinh nghiệm hay của doanh nhân, kể cả thành công hay thất bại, được chuyển ra thành sách, điều đó không những giúp thu hút bạn đọc mà còn giúp lan tỏa được tri thức này".
Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP.HCM chủ trương tạo điều kiện kết nối cho doanh nhân và những người chấp bút là các nhà văn, nhà báo có nhiều kinh nghiệm. Từ đó giúp cho doanh nhân có cơ hội mang câu chuyện tiếp cận cùng độc giả đại chúng với góc nhìn văn chương và trực quan hơn.
Nhưng để làm được điều đó, trước hết cần có sự mở lòng từ chính doanh nhân, dám mang câu chuyện của mình ra chia sẻ. Ngược lại, những người làm công việc chấp bút cũng cần có sự thấu hiểu với doanh nhân.
Như nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - phát biểu lúc mở đầu: “Nhà văn và doanh nhân tuy khác nhau về nghề cũng khác nhau về nghiệp nhưng có cùng một triết lý hành động. Với tác phẩm sáng tạo của mình, giá trị vật chất và giá trị tinh thần, chúng ta góp phần đem lại giá trị thụ hưởng cho con người, cho cộng đồng, cho dân tộc và có thể vượt qua ranh giới của quốc gia”.
TRẦN MẶC