Vào tháng 1/2023, Zheng Linghua 23 tuổi đã tự tử do không chịu nổi những lời xúc phạm trên mạng xã hội nhằm vào cô. Nguyên nhân bắt đầu từ việc cô chia sẻ những bức ảnh của mình với mái tóc màu hồng thời trang.
Ảnh minh hoạ: Sixthtone
Cái chết gây phẫn nộ
Zheng có mơ ước trở thành giáo viên âm nhạc. Cô bất ngờ nổi tiếng trên ứng dụng Xiaohongshu vào tháng 7/2022 sau khi chia sẻ những bức ảnh xúc động cô đến thăm ông nội trong bệnh viện, theo Sixthtone.
Để kỷ niệm ngày tốt nghiệp, Zheng quyết định nhuộm tóc màu hồng và cô gái không ngần ngại chia sẻ chuyện này trên trang cá nhân. Tuy nhiên, cô không ngờ đây là nguồn cơn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Hàng nghìn người vào trang cá nhân của Zheng buông lời chê bai, tấn công cô vì mái tóc màu hồng.
Một số người chỉ trích cô giống như gái bao trong quán bar, liệu giáo viên nhuộm tóc màu "kỳ dị" đứng trên bục giảng có thể thực hiện được hết trách nhiệm công việc của mình. Thậm chí, một số người dùng mạng xã hội cáo buộc cô là gái mại dâm.
Chỉ vài ngày sau khi nhận hàng nghìn chỉ trích, cô gái đã cắt tóc ngắn, nhuộm màu đen cho phù hợp. Nhưng những tin đồn và bình luận ác ý vẫn xuất hiện dày đặc trên trang cá nhân của Zheng.
Cô gái trẻ bị suy nhược nghiêm trọng. Cuối tháng 12/2022, Zheng viết trên trang cá nhân: "Quả trứng vẫn còn sống và đang cố gắng hết sức để tiếp tục sống".
Khoảng 1 tháng sau, Zheng tự tử. Trong bức thư tuyệt mệnh, cô nói rằng những kẻ tấn công ẩn danh trên mạng đã khiến cô rơi vào tình trạng trầm cảm và cuối cùng là cái chết.
Người dùng mạng xã hội Weibo nhuộm tóc màu hồng. Ảnh: Weibo
Chiến dịch mái tóc hồng
Cái chết của Zheng gây sốc và phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. "Hôm nay là màu tóc, ngày mai là trang phục, ngày kia sẽ là xỏ khuyên, và rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Chẳng lẽ các bạn gái đều phải tìm đến tấm vải, quấn mình trong đó sao?"; "Tại sao màu tóc lại gây ra vụ bạo hành, bắt nạn trên mạng kinh khủng như vậy?"; "Internet tạo ra để kết nối và hỗ trợ mọi người, không phải để mọi người làm tổn thương lẫn nhau"... người dùng mạng bình luận.
Không làm ngơ trước vụ việc, một số bạn trẻ Trung Quốc đã tạo nên chiến dịch có tên gọi là PinkUp. Mới ra mắt nhưng chiến dịch bắt đầu thịnh hành trên nền tảng Weibo nhằm mục đích chống bắt nạt trên mạng.
Cái chết của cô gái trẻ 23 tuổi càng nối dài số lượng những vụ tự tử có nguyên nhân xuất phát từ bắt nạt trên mạng ở quốc gia tỷ dân.
Không chỉ nữ giới phải gánh chịu hậu quả từ các cuộc tấn công trực tuyến mà nam giới cũng không tránh khỏi. Tuần trước, Sun Fanbao, streamer đến từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã tự sát sau thời gian dài bị trầm cảm nặng. Anh thường xuyên bị người dùng mạng theo dõi nhắn tin chửi bới, lăng mạ.
Những kẻ tấn công không rõ danh tính cáo buộc anh là kẻ dối trá, chuyên lừa khán giả bằng những nội dung giật gân nhưng thực chất là dàn dựng.
Sự gia tăng các trường hợp như Zheng đã thúc đẩy nhu cầu cần luật pháp nghiêm hơn để chống lại và trừng phạt các cuộc tấn công trân mạng. Trong những năm gần đây, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã đề xuất luật chống bắt nạt trên mạng.