DN cạn tiền trả lương nhân viên; thu nhập trung bình mất 25 năm mới mua được nhà
Anh Phương Xem các bài viết của tác giả
19/11/2023 06:43 (GMT+07:00)
Cạn tiền trả lương, một doanh nghiệp bất động sản cho toàn bộ nhân viên tạm nghỉ việc; diễn biến thị trường địa ốc từ đầu năm đến nay; cư dân kêu cứu vì chậm cấp sổ hồng; xử lý hơn 2.100 “hộp ngủ” vi phạm… là các tin tức nổi bật tuần qua.
Doanh nghiệp bất động sản nói cạn tiền, cho toàn bộ nhân viên tạm nghỉ việc
Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà, doanh nghiệp có liên quan đến đại gia Đinh Trường Chinh, vừa cho biết do nguồn tài chính hiện tại vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ nhân viên. Do đó, công ty này cho toàn bộ cán bộ nhân viên tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà đạt 10.398 tỷ đồng. Tổng doanh thu của công ty trong năm 2022 là 839 tỷ đồng. (Xem chi tiết)
Dành dụm 100 triệu mỗi năm, 25 năm sau mới mua nổi nhà tại TP.HCM
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ năm 2017 đến nay, giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng và vẫn “neo cao”, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.
Những căn hộ có giá từ 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, nếu có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm thì cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà. (Xem chi tiết)
Giá nhà tại TP.HCM từ năm 2017 đến nay liên tục tăng. (Ảnh: Hoàng Hà)
Nhận nhà chục năm chưa có sổ hồng, hàng nghìn cư dân ‘kêu cứu’
Hàng ngàn cư dân tại một số chung cư ở TP.HCM phản ánh tình trạng nhận bàn giao nhà, sinh sống ổn định cả chục năm qua nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất.
HĐND TP.HCM vừa đề nghị UBND TP.HCM báo cáo kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri, một trong số đó là tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất tại các chung cư. (Xem chi tiết)
TP.HCM tính thí điểm các hộ dân có nhà ven kênh rạch được thuê mua nhà ở xã hội
Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện 14 dự án với kế hoạch di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, kết quả đến nay mới chỉ di dời 657 căn nhà. Một trong những khó khăn là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài.
Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng đề án, trình UBND TP.HCM thí điểm cho tất cả hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh, rạch được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, tuỳ khả năng. (Xem chi tiết)
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà, nhưng đến nay mới chỉ di dời được 657 căn. (Ảnh: Anh Phương)
Người mua nhà ở xã hội tự chịu trách nhiệm với lời khai ‘chưa có nhà ở’
Khi làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, người dân phải được UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú/tạm trú từ 1 năm trở lên xác nhận chưa sở hữu nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở. Nhiều trường hợp, UBND cấp xã không xác nhận theo mẫu hoặc xác nhận đương sự tự cam kết và tự chịu trách nhiệm hoặc chỉ xác nhận chữ ký.
Vì thủ tục xác nhận chưa có sự thống nhất nên UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn lại việc xác nhận thực trạng nhà ở hoặc chấp nhận xác nhận của UBND cấp xã theo hướng đương sự tự chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, khai không đúng sẽ bị thu hồi nhà. (Xem chi tiết)
Xử lý hơn 2.100 ‘hộp ngủ’ vi phạm về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy
Tại TP.HCM hiện có khoảng 67 nhà ở riêng lẻ ngăn thành nhiều phòng hoặc giường, hay còn gọi là “hộp ngủ”, để cho thuê. Kiểm tra 59 nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng xác định có 2.165 “hộp ngủ” cho thuê.
Tại những công trình trên, số lượng người tập trung đông trong một không gian hẹp, không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, rủi ro về tính mạng con người khi xảy ra sự cố về cháy, thoát hiểm. (Xem chi tiết)
Một nhà ở riêng lẻ ngăn thành nhiều "hộp ngủ" cho thuê. (Ảnh: Anh Phương)
TP.HCM không cấp phép xây dựng ‘chung cư mini’
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2022, trên địa bàn thành phố có 60.470 nhà trọ do người dân xây dựng để cho thuê; gồm 34.800 dãy phòng cho thuê độc lập và 25.670 nhà ở riêng lẻ ngăn chia thành từng phòng cho thuê.
Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, pháp luật hiện hành không có khái niệm “chung cư mini”. Từ trước đến nay, cơ quan này không phê duyệt, không chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc cấp phép xây dựng đối với loại hình chung cư mini. (Xem chi tiết)
Giảm giá sâu, mặt bằng cho thuê tại khu trung tâm vẫn bỏ trống cả năm trời
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những căn nhà mặt tiền khu vực trung tâm TP.HCM dành cho thuê làm cửa hàng kinh doanh đang rơi vào tình trạng bỏ trống, vắng khách thuê.
Mặc dù gia chủ đã có động thái giảm giá cho thuê khá sâu kèm theo ưu đãi chưa từng có nhưng làn sóng trả mặt bằng kinh doanh vẫn đang diễn ra khắp TP.HCM, nhất là những nơi có vị trí đắc địa. (Xem chi tiết)
Tiến độ di dời nghĩa trang tự phát lớn nhất TP.HCM; lộ diện chủ dự án 12.000 tỷThời gian dự kiến hoàn tất di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hoà; liên danh trúng dự án khu đô thị gần 12.000 tỷ đồng; diễn biến mới về dự án trưng bày cà phê của Trung Nguyên… là những tin nổi bật tuần qua.
Bình luận