Mỗi khi vào mùa mưa bão, người dân ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lại lo sạt lở núi, cho dù chính quyền đã nỗ lực triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Một góc làng tái định cư mới Tăk Tố, xã Trà Don (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Nguy cơ sạt lở núi
Huyện Nam Trà My là vùng có địa hình hầu hết đồi núi đất dốc, nhiều thung lũng chằng chịt bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Những năm qua vùng đất này liên tục xảy ra các vụ sạt lở núi, có những vụ nghiêm trọng như vụ sạt lở năm 2020 tại xã Trà Leng, vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết...
Mới đây, ngày 17/10, mưa lớn đã khiến cho điểm trường Tak Cui ở thôn 5, xã Trà Cang bị hư hại do đất đá sạt lở, vùi lấp. Rất may vụ việc xảy ra trong đêm nên không có thầy cô và học sinh ở trường.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: Chính quyền xã đã phát hiện nguy cơ sạt lở tại vị trí này và đã triển khai phương tiện máy móc giải quyết khối lượng lớn đất đá trước điểm trường. Thế nhưng nền đất yếu, liên tục sạt trượt nên làm đổ tường. Rất may sự việc xảy ra vào ban đêm nên không gây thiệt hại về người.
Hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện xuất hiện các điểm sạt lở. Điển hình như quả đồi phía sau trung tâm hành chính huyện đã xuất hiện vết nứt chạy dài gần 1km. Nguy cơ có thể xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão. Ngọn đồi quanh các trụ sở của huyện đã có hiện tượng nước chảy rỉ ra từ phía chân đồi. Nhiều vết nứt lớn xuất hiện, có vết nứt độ sâu gần 0,5m, dài hàng trăm mét.
Chị Lưu Thị Nghĩa (35 tuổi), ở xã Trà Mai cho hay: “Hiện nay quả đồi phía sau khu dân cư (KDC) xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Nên mỗi khi vào mùa mưa, người dân sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ lở đất, đá tràn xuống”.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Huyện đã bố trí kinh phí xây dựng kè bảo vệ phía sau, đến nay, cơ bản trụ sở làm việc của các đơn vị đã đảm bảo an toàn. Tuy nhiên nhiều cơ quan nằm trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao về sạt lở núi, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don...
Lo cho dân
Nhiều năm qua, chính quyền huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở mới an toàn. Điển hình như vụ sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng, chính quyền đã cho xây dựng KDC Bằng La, trên diện tích hơn 6ha, với 39 căn nhà sàn ở nơi an toàn. Cùng với đó trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường sá được xây dựng khang trang.
Chị Hồ Thị Nở (ở KDC Bằng La) vui mừng khi gia đình được đến ở KDC mới, chị nói: “Gia đình tôi được bố trí vào ở KDC Bằng La cuộc sống giờ đã ổn định, an tâm trồng trọt, chăn nuôi nên có nguồn thu nhập. Không những thế, các cấp chính quyền còn đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, điện nước... giúp cho bà con có cuộc sống thuận lợi hơn trước”.
Không chỉ ở Trà Leng mà nhiều nơi khác ở huyện Nam Trà My đã được chính quyền các cấp lo di dân đến nơi ở mới an toàn, lo xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống của người dân. Như tại làng Tăk Tố, xã Trà Don hơn 50 hộ dân đã được di dời đến nơi ở mới. Đây là số hộ dân nằm trong hơn 7.820 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống, giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam, với số vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trước nguy cơ sạt lở đất, chính quyền huyện đã nghĩ đến phương án di dời trung tâm hành chính. Thế nhưng, do đặc thù huyện miền núi, quỹ đất khan hiếm nên rất khó tìm được nơi bằng phẳng để xây dựng. Cạnh đó, việc xây mới hàng chục trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí nên phương án này chưa được tính đến.
“Trước mắt, huyện cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ khu trung tâm hành chính huyện. Chúng tôi rất mong sớm được tiếp nhận nguồn kinh phí để triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo giữ ổn định chống sạt lở đất” - ông Dũng nói.
Chủ đề: Đối diện Nỗi lo sạt lở núi