Nam, nữ Cơ Tu nhí thôn Bhờ Hôồng 1 biểu diễn múa cùng người lớn.
Vào dịp nghỉ hè, ngày nào chị Blinh Thị Xiếc (thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cũng dành cả buổi chiều để dạy đám trẻ con trong thôn học múa. Nơi đây có 1 đội múa Cơ Tu "nhí" có khoảng 20 em - đây là những hạt nhân nòng cốt trong việc duy trì truyền thống văn hóa múa của người Cơ Tu ở địa phương.
Vào một ngày đầu tháng Sáu, chúng tôi mục kích "Vũ điệu Cơ Tu" trong lễ hội Văn hóa truyền thống người Cơ Tu tổ chức tại Làng du lịch cộng đồng thôn Bhơ Hôồng 1 - cách trung tâm huyện Đông Giang 17km.
Lối vào Làng du lịch cộng đồng thôn Bhờ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), Cảnh nhộn nhịp trên sân Làng du lịch cộng đồng thôn Bhờ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Thôn Bhờ Hồông được khai trương làm điểm khai thác du lịch cộng đồng từ năm 2008. Đây là "thôn văn hóa" còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu trên vùng núi Đông Giang với những điệu nói lý - hát lý, múa "Tung tung - ja já", đan lát, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm chất hoang sơ đại ngàn Trường Sơn do người Cơ Tu chế biến.
Theo Cựu chiến binh Alăng Bảy (86 tuổi, trú tại thôn Bhờ Hôồng 1), người Cơ Tu không có lễ hội "cồng chiêng" như đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, mà chỉ có lễ hội "trống chiêng".
Trong lễ hội này có rất nhiều điệu múa, người Cơ Tu thích nhất là điệu múa "Tung tung - ja já". "Tung tung - ja já" là điệu dân vũ hòa trộn "âm dương", cho thấy sự hiệp lực của đàn ông, thanh niên với đàn bà và thiếu nữ Cơ Tu, đôi khi còn có cả trẻ em nữa.
Trong không gian bao la của núi rừng, vòng tròn nam nữ thanh niên di chuyển nhịp nhàng sinh động cùng với âm thanh trống chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài tan vào không gian đại ngàn như một lời cầu nguyện người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh và tổ tiên.
Họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và Yàng cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đặc biệt nơi đây có 1 đội múa Cơ Tu "nhí" khoảng 20 em. Đó là những hạt nhân nòng cốt trong việc duy trì truyền thống văn hóa múa của người Cơ Tu ở địa phương.
Cựu chiến binh Alăng Bảy cũng cho hay, vào dịp nghỉ hè, nên chiều nào chị Blinh Thị Xiếc cũng dành cả buổi chiều để dạy đám trẻ con trong thôn học múa. Chúng tôi biết múa nhưng lại không truyền đạt tốt cho đám trẻ trong thôn nên chị Xiếc dạy như thế này chúng tôi mừng lắm. Tuy không giúp gì nhiều nhưng buổi học nào chúng tôi cũng đến để động viên tinh thần, tạo không khí vui vẻ các các cháu múa. Văn hóa của dân tộc phải được giữ gìn nên người Cơ Tu ở thôn Bhờ Hôồng 1 ai cũng biết múa.
"Chúng tôi được các bà, các mẹ dạy, uốn nắn dạy điệu múa này từ lúc còn bé. Nay chúng tôi lại dạy cho các con, các cháu điệu múa này để chúng hiểu hơn về cội nguồn dân tộc. Con trẻ bây giờ tiếp thu nhanh lắm. Ngày nào chúng cũng học đều đặn, không bỏ buổi nào. Có đứa nhỏ gần 5 tuổi mà đã múa thành thạo. Cứ mỗi buổi chiều như thế, cả thôn vui lắm. Mỗi buổi chiều như thế, cả thôn vui lắm. Người già, người trẻ tập trung trước sân nhà Gươl. Họ ngồi đó chuyện trò rôm rả, rồi thỉnh thoảng lại nhìn các con, các cháu mình múa với ánh mắt tự hào. Các mẹ thì luôn dành tặng những lời khen khích lệ động viên "đội múa nhí" - chị Blinh Thị Xiếc cho hay.
Đội trống chiêng Cơ Tu “nhí”
Cựu Chiến Binh Alăng Bảy tâm sự: "Mỗi ngày sau khi đi làm nương về, chị Blinh Thị Xiếc dành thời gian dạy bọn trẻ trong làng tập múa điệu "Tung tung ja já". Cả làng này ai cũng biết múa. Múa rất khó vì mình phải tập. Từ người già và trẻ con đều biết vì người già biết lại dạy lại cho lũ trẻ. Như tôi là được người già dạy rồi tôi truyền cho mấy đứa nhỏ. Vì tôi muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống để sau này không mai một thất lạc đi. Nếu sau này thế hệ lớn của mình không còn ai nữa thì ít ra vẫn còn cha truyền con nối. Cứ tiếp tục như vậy thì mới xây dựng được nét văn hóa riêng, đặc trưng của người Cơ Tu và in sâu vào trong tâm trí của mọi người".
"Người dân trong thôn rất yêu quý văn hóa của mình, vì thế phong tục tốt đẹp của làng được người dân giữ gìn và phát huy. Từ khi hình thành làng du lịch cộng đồng tại thôn, văn hóa lễ hội được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo khách du lịch đến xem, nên điệu múa "Tung tung - ja já" không chỉ người lớn tham gia mà cần phải truyền dạy lại cho thế hệ trẻ biết để có ý thức giữ gìn, không bị mai một…"- già làng Bhriu Hạnh cho hay.
Dù không có âm thanh rộn ràng như ngày hội nhưng bọn trẻ đang say sưa bước đi theo hướng dẫn của chị Xiếc. Đã múa thành thục nhưng các em vẫn muốn mình phải múa đẹp hơn để có dịp biểu diễn trước dân làng và du khách. Briu Lý (14 tuổi) cho hay, em rất thích học múa. Em tập khoảng vài tháng rồi. Múa rất khó, khó nhất là chỗ nhún chân. Em tự xin học và vừa đi học, vừa tập múa. Em thích tập múa vì đây là múa truyền thống của người Cơ Tu. Em cũng thấy mấy anh chị, cô bác múa nên em cũng thích múa. Em muốn múa giỏi như các cô các bác.
Đội múa Cơ Tu nhí đang múa với "nhạc nền" do người lớn phụ trách.
Trước sân Làng du lịch cộng đồng thôn Bhờ Hôồng 1 rộn ràng lễ hội với những chàng trai Cơ Tu nước da như màu đồng mắt cua, ngực thắt tấm choàng hình chữ X, tay cầm giáo mác, khiên… đang múa điệu "tung tung" trông rất dũng mãnh hòa quện với điệu múa "ja já" của thiếu nữ Cơ Tu rất nhịp nhàng, nhún chân đều theo nhịp trống rất sinh động.
Bên cạnh âm thanh, màu sắc các bộ váy của các sơn nữ Cơ Tu rất đa dạng hoa văn họa tiết. Các màu chủ đạo gồm màu đen, xanh, trắng. Thiếu nữ Cơ Tu đeo cườm, mã não, vòng bạc… trước ngực lấp lánh theo nhịp nhón chân, trông rất sinh động.
Bà Ating Thị Tươi- Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Giang cho hay, thôn Bhờ Hôồng1 với lợi thế về nghệ thuật nói lý, hát lý, nhạc cụ truyền thống, vũ điệu Tung tung- Za zá, kiến trúc nhà Gươl, nhà Moong, suối nước nóng, làng nghề truyền thống và nhiều loại ẩm thực độc đáo của người Cơ Tu, trước những năm dịch Covid 19 xảy ra, mỗi năm Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng1 đón hàng ngàn du khách gần xa. Nhờ có đội trống chiêng thôn Bhờ Hôồng1, lễ hội văn hóa Cơ Tu rộn ràng, sinh động, góp phần không nhỏ vào những lần tổ chức thành công các lễ hội tại địa phương. Sau này, huyện sẽ xem xét khuyến khích các cháu tham gia nhiều sự kiện hơn nữa và chỉ đạo các xã quan tâm thành lập đội trống chiêng từ các thôn, trong đó chú trọng bồi dưỡng các cháu nhỏ như thôn Bhờ Hôồng1 đã làm…".