Giá vàng miếng SJC trong nước hiện đắt hơn vàng thế giới quy đổi tới 15,5 triệu đồng/lượng. Ảnh: Hoàng Hà.
Sau khi giảm về cùng thấp nhất hai tháng hồi giữa tuần trước, giá vàng trong nước đang ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực với cả mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn.
Trong phiên đầu tuần hôm nay (19/12), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã nâng giá giao dịch vàng miếng lên 66,1 - 66,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng so với đáy ghi nhận vào giữa tuần trước. Đáng chú ý, đà tăng trong những phiên gần đây cũng đã kết thúc giai đoạn đi xuống liên tục của vàng miếng SJC trong gần hai tháng trước đó.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với mặt hàng vàng nhẫn do SJC chế tác, hiện phổ biến được mua vào ở mức 52,95 triệu/lượng và bán ra ở 53,95 triệu/lượng, cao hơn xấp xỉ 200.000 đồng so với tuần trước.
Không chỉ SJC, nhiều nhà bán lẻ vàng trong nước hôm nay cũng ghi nhận giá mua – bán cao hơn so với tuần trước.
Trong đó, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 66,3 triệu/lượng và bán ra ở 67,1 triệu đồng. So với cuối tuần trước, giá bán ra tại PNJ hiện cao hơn 100.000 đồng. Còn nếu so với giữa tuần trước, mức tăng đã là hơn nửa triệu đồng. Tương tự SJC, đà tăng giá trong những phiên gần đây đã kết thúc xu hướng giảm liên tục của mặt hàng vàng miếng do PNJ niêm yết trong gần hai tháng trước đó.
Với vàng nhẫn do PNJ chế tác, tuần trước doanh nghiệp này niêm yết ở mức 52,9 - 54 triệu/lượng, đến nay cũng tăng 100.000 đồng, lên 53 triệu/lượng (mua) và 54,1 triệu/lượng (bán).
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI giữa tuần trước giảm giá bán vàng miếng xuống mốc 66,5 triệu/lượng, đến nay cũng đã đẩy giá tăng trở lại vùng 67 triệu đồng. Ở chiều mua vào, mức tăng DOJI đưa ra trong giai đoạn này cũng là 300.000 đồng, hiện phổ biến ở mức trên 66 triệu/lượng.
Cũng trong phiên đầu tuần hôm nay, các doanh nghiệp vàng lớn khác như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Công ty Vàng Mi Hồng… đều niêm yết giá bán vàng miếng xấp xỉ 67 triệu đồng/lượng. So với tuần trước, giá bán này đã tăng 300.000-500.000 đồng/lượng, tùy doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý của thị trường vàng trong nước những phiên gần đây là việc giá mặt hàng này tăng tích cực bất chấp xu hướng suy yếu của vàng thế giới.
Theo đó, giá vàng thế giới sau khi giảm mất mốc 1.800 USD/ounce đầu tuần trước đến nay vẫn chưa thể lấy lại mốc giá này. Hiện tại, giá vàng thế giới giao ngay phổ biến giao dịch quanh mức 1.793 USD/ounce.
Với diễn biến kể trên, chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới quy đổi ra tiền VNĐ đã bị nới rộng lên 15,5 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi có giá tương đương khoảng 51,5 triệu/lượng. Nếu so với vàng nhẫn, giá giao dịch vàng thế giới hiện cũng thấp hơn 2,5 triệu đồng.
Lý giải về việc giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn thế giới cả chục triệu đồng, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, cho biết hiện số lượng vàng miếng trên thị trường còn rất ít, bởi có giai đoạn giá vàng miếng SJC thấp hơn hoặc bằng giá vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp trong nước đã nấu vàng miếng SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang.
Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện còn rất ít. Hiện tại, trong khi nhu cầu thị trường vẫn tồn tại mà nguồn cung không có, dẫn tới mức chênh cao về giá so với vàng thế giới.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng giá vàng miếng SJC đắt hơn nhiều so với vàng thế giới có nguyên nhân từ Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.
Theo đó, nghị định này đã hạn chế khả năng tự chủ nhập khẩu vàng nguyên liệu của các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp như SJC, DOJI, PNJ hiện đều phải mua được vàng miếng mới có thể bán ra, trường hợp không mua được đủ vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao.
Vị chuyên gia cho rằng để đưa giá vàng miếng SJC về gần hơn với giá thế giới, cần phải sửa Nghị định 24, trong đó nên cho phép các doanh nghiệp được tự chủ nhập khẩu vàng nguyên liệu, khi đó, giá vàng mới thực sự biến động theo cung - cầu thị trường.