Hổ tăng 'dân số', con người bị đẩy ra khỏi rừng

10/04/2023 11:08
Tại Ấn Độ, khi số lượng cá thể hổ gia tăng, đồng nghĩa với việc các cộng đồng người bản địa tại nước này đang bị đẩy ra khỏi nơi họ sinh sống suốt nhiều thế hệ.

 

Hổ tăng 'dân số', con người bị đẩy ra khỏi rừng

Chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố rằng quần thể hổ của Ấn Độ đã tăng đều đặn lên hơn 3.000 cá thể kể từ khi nước này bắt đầu chương trình bảo tồn loài mèo lớn nhất thế giới.

“Ấn Độ là một quốc gia nơi bảo vệ thiên nhiên là một phần văn hóa của chúng tôi", Thủ tướng Modi tuyên bố. “Đó là lý do tại sao chúng tôi có nhiều thành tựu độc đáo trong việc bảo tồn động vật hoang dã”.

Ông Modi cũng đã thành lập Liên minh bảo tồn các mèo lớn mà ông cho biết sẽ tập trung vào 7 loài mèo lớn là hổ, sư tử, báo hoa mai, báo tuyết, báo sư tử, báo đốm và báo châu Phi.

Trong khi đó, các cộng đồng người bản địa tại Ấn Độ đang biểu tình để phản đối cách các dự án bảo tồn động vật hoang dã đã gây ảnh hưởng tới sinh kế của họ trong nửa thế kỷ qua.

Dự án Hổ bắt đầu vào năm 1973 sau một cuộc điều tra cho thấy loài hổ của Ấn Độ đang nhanh chóng bị tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắn và giết hại trả thù của con người. Vào thời điểm đó, quần thể hổ hoang dã tại Ấn Độ chỉ có khoảng 1.800 con.

Nhưng các chuyên gia cho rằng đó là một ước tính quá cao do phương pháp thống kê không chính xác ở Ấn Độ cho đến năm 2006. Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giải quyết tình trạng suy giảm, trong đó có tạo ra mô hình các khu bảo tồn, nơi các hệ sinh thái không bị xáo trộn bởi mọi người.

Tuy nhiên, một số nhóm dân bản địa cho biết các chiến lược bảo tồn, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa môi trường Mỹ, đang "nhổ bỏ" các cộng đồng vốn đã sống trong rừng hàng thiên niên kỷ.

Các thành viên của một số nhóm người bản địa tại Ấn Độ đã thành lập một ủy ban để phản đối việc trục xuất họ khỏi vùng đất lâu đời và tìm kiếm tiếng nói trong cách quản lý khu bảo tồn.

J. A. Shivu, 27 tuổi, thuộc bộ lạc Jenu Kuruba, cho biết: “Nagarahole là một trong những khu rừng đầu tiên được đưa vào Dự án Hổ. Cha mẹ, ông bà của chúng tôi có lẽ là những người đầu tiên bị buộc rời khỏi khu rừng với danh nghĩa bảo tồn. Chúng tôi đã mất mọi quyền đến thăm các vùng đất, đền thờ hoặc thậm chí lấy mật ong từ rừng. Làm sao chúng tôi có thể tiếp tục sống như thế này?”.

Jenu, có nghĩa là mật ong trong ngôn ngữ Kannada miền Nam Ấn Độ, là nguồn sinh kế chính của các bộ lạc.

Với dân số ít hơn 40.000 người, Jenu Kuruba là một trong 75 nhóm bộ lạc mà chính phủ Ấn Độ xếp vào nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Các cộng đồng bản địa như Jenu Kurubas là một trong những cộng đồng nghèo nhất ở Ấn Độ.

Một số chuyên gia cho rằng các chính sách bảo tồn cố gắng bảo vệ vùng hoang dã nguyên sơ đã bị ảnh hưởng bởi định kiến đối với cộng đồng địa phương.

Bộ Các vấn đề Bộ lạc của chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần cho biết họ đang sửa đổi luật bảo vệ người bản địa. Chỉ khoảng 1% trong số hơn 100 triệu người bản địa ở Ấn Độ được cấp quyền sử dụng đất rừng, mặc dù luật về quyền khai thác rừng của chính phủ, được thông qua năm 2006, nhằm mục đích “xóa bỏ sự bất công lịch sử” đối với các cộng đồng sống trong rừng.

Trong khi đó, số lượng hổ của Ấn Độ đang phát triển mạnh. Tổng cộng 3.167 cá thể hổ của nước này hiện chiếm hơn 75% quần thể hổ hoang dã trên thế giới.

Hổ đã biến mất ở Bali và Java của Indonesia, trong khi hổ Trung Quốc có khả năng tuyệt chủng trong tự nhiên. Hổ đảo Sunda chỉ được tìm thấy ở Sumatra. Dự án Hổ của Ấn Độ đã được nhiều người ca ngợi là hình mẫu bảo tồn động vật hoang dã.

SP Yadav, một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ phụ trách Dự án Hổ, cho biết: “Dự án bảo tồn này khó có thể sánh được trên thế giới vì một kế hoạch có quy mô và mức độ như vậy đã không thành công như vậy ở những nơi khác”.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chi phí xã hội của việc bảo tồn các "pháo đài" của loài hổ và động vật hoang dã là rất cao.

Sharachchandra Lele, thuộc Tổ chức nghiên cứu về sinh thái và môi trường Ashoka Trust có trụ sở tại thành phố Bengaluru (bang Karnataka), cho biết mô hình bảo tồn này đã lỗi thời.

“Đã có một số ví dụ về các khu rừng được cộng đồng địa phương tích cực sử dụng và số lượng hổ đã thực sự tăng lên ngay cả khi người dân được hưởng lợi ở những khu vực này", ông Lele chỉ ra.

Vidya Athreya, giám đốc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã ở Ấn Độ, người đã nghiên cứu sự tương tác giữa loài mèo lớn và con người trong hai thập kỷ qua, đồng thuận với ý kiến trên.

“Theo truyền thống, chúng ta luôn đặt động vật hoang dã lên trên con người", chuyên gia Athreya nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc gắn kết với động vật với con người là con đường bền vững nhất để bảo vệ động vật hoang dã ở Ấn Độ.

Shivu, thuộc bộ lạc Jenu Kuruba, cũng muốn quay trở lại cuộc sống nơi cộng đồng bản địa và hổ sống cùng nhau.

“Chúng tôi coi hổ là những vị thần và chúng tôi là những người trông coi khu rừng này", ông Shivu nói.

Bắc Hiệp

Theo Nguồn baomoi.com

Hổ tăng 'dân số', con người bị đẩy ra khỏi rừng - Đời Sống