Gia đình chị Trang sống trong căn hộ thuê tại khu tập thể cũ ở phố Láng Hạ. Một năm trước vì Covid-19, chị dạy học online nên nhu cầu làm việc và sinh hoạt ở nhà nhiều hơn, những bất lợi về không gian sống bỗng nhiên trở nên trầm trọng.
Căn hộ Trang thuê rộng 50 m2, chia thành bốn gian nhưng bố trí không hợp lý. Gian lớn nhất bị ngăn đôi tạo thành hai phòng nhỏ, không đủ kê giường, chỉ làm nhà kho đựng đồ lặt vặt. Gian ở giữa bị ép thành phòng ngủ, chỉ đủ kê một chiếc giường nhưng mở cửa chính ra là thấy chỗ ngủ, không có sự riêng tư. Giá sách cũng đặt ở không gian này gây cảm giác bức bí. Gian thứ ba là bếp và phòng ăn đồng thời trở thành nơi làm việc. Ban công cũng biến thành nhà kho, lưu trữ chiếc sofa hỏng, ẩm mốc và đầy bụi bẩn.
Cả nhà đều cảm thấy cần có không gian sống rộng rãi thoải mái hơn nhưng lại đắn đo giữa việc sửa nhà đang ở hay thuê một căn khác. Căn hộ đang ở gắn bó với gia đình chị Trang 9 năm nay, hàng xóm thân thiện, đi làm tiện đường, gần trường của con trai, chợ búa cũng dễ dàng...
Tuy vậy, đây chỉ là căn hộ đi thuê. Bạn bè nhiều người khuyên, nhà thuê ở tạm, sửa chữa vừa tốn kém, lại không phải nhà mình. Trong khi người thân lại nhắc nhở việc sửa chữa cần được chủ nhà đồng ý, rồi thủ tục phức tạp.
Thuê căn hộ khác là phương án thứ hai, nhưng gia đình tìm mãi vẫn không ưng ý. Căn thì diện tích nhỏ, căn thì giá quá đắt, căn ưng ý lại xa trung tâm. "Khi đó cũng có người khuyên mua nhà mới, sửa vậy sau chuyển đi thì phí quá", chị Trang nói. Tuy vậy hai vợ chồng chưa có nhiều tích lũy, mua một căn chung cư ở nội thành Hà Nội cần có khoảng 2 tỷ đồng. "Nếu mua trả góp, số tiền gốc và lãi mỗi tháng phải trả khá nhiều", nữ giáo viên tính toán với chồng.
Cuối cùng, được sự đồng ý của chủ nhà, vợ chồng Trang quyết định cải tạo căn hộ đang ở.
Gian khách khi chưa cải tạo có giường kê giữa phòng, cửa sổ bị bịt kín bởi giá sách. Sau này, kiến trúc sư đã chuyển đổi công năng các phòng, khiến không gian thoáng đãng hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vì diện tích nhà không lớn, ngân sách của gia đình chị Trang không nhiều nên nhóm thiết kế đã tư vấn cải tạo căn hộ theo phong cách đơn giản, tiết kiệm và tiêu chí là "nếu gia đình chuyển đi vẫn có thể mang theo phần lớn đồ đạc".
Việc phá dỡ từng mảng tường ngăn đều tính toán và kiểm tra kỹ lưỡng, tránh trường hợp sập cả tòa nhà. Nhóm thiết kế không tác động nhiều vào kết cấu gốc của căn hộ, chỉ phá dỡ vách ngăn cản sáng trong phòng, mở cửa sổ thành cửa đi, dọn dẹp lại ban công,... đem lại nguồn ánh sáng và đối lưu không khí.
Màu trắng, be và vàng được sử dụng nhằm tạo cảm giác tươi mới nhẹ nhàng. Nhóm thiết kế đề xuất những mẫu bàn ghế đơn giản, gọn gàng và sơn các mảng tường làm điểm nhấn. Cách làm này vừa tạo ấn tượng lại không tốn nhiều chi phí.
"Việc lựa chọn thiết kế và màu sắc là do lựa chọn của gia chủ. Chúng tôi lắng nghe và thực hiện theo nguyện vọng đó", kiến trúc sư Hoài Ly - người đứng đầu nhóm thiết kế chia sẻ.
Cửa sổ phòng ngủ bị bịt kín lâu ngày được cải tạo lại thành cửa đi thẳng ra ban công. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên thủy, căn hộ có ba phòng nên nhóm thiết kế chia thành ba chức năng chính: Phòng khách, phòng ngủ và bếp. Hiện tại gia đình mới có 3 người nên không ngăn đôi phòng ngủ nữa. Tương lai, nếu gia đình có thêm thành viên có thể làm vách ngăn nhẹ. Không gian thứ hai là phòng khách - sinh hoạt chung, được bố trí sofa lớn, vừa nằm ngồi thoải mái, khi có khách ở lại qua đêm sẽ biến thành giường ngủ tạm. Phòng cuối cùng có chức năng bếp và ăn, được sửa sang lại gọn gàng.
"Nhớ nhất là quá trình biến hình đồ cũ trông như mới", Hoài Ly chia sẻ. Điều hòa treo tường màu vàng sơn thành trắng tinh, các loại cửa gỗ cũng được đổi màu. Bàn ghế được bố trí hợp lý, giường tủ gọn gàng khiến căn nhà trở nên thoáng đãng và ngập tràn ánh sáng.
Nhóm thiết kế không sử dụng vật liệu đắt tiền mà tập trung vào vật liệu nhẹ, mang tính ứng dụng cao với chi phí hợp lý. Như phần ban công trước đây là "chuồng cọp" được cơi nới thêm, không chịu được lực quá lớn. Kiến trúc sư quyết định gia cố lại cho chắc chắn, lót bê tông nhẹ làm phẳng, bước cuối cùng là trải sàn nhựa simili chống nước mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Vì diện tích căn hộ nhỏ, nội thất được chọn phải tiết kiệm được không gian như bàn trà tròn xoay, ghế làm việc không tựa tay có thể đẩy gọn vào gầm bàn, sofa tựa thấp... Những đồ vật này có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng nếu chủ nhà có nhu cầu rời đi.
Ban công trước khi cải tạo chỉ là nhà kho đầy bụi bặm và ẩm thấp. Sau khi cải tạo ban công trở thành nơi thư giãn cho gia chủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngôi nhà sau khi cải tạo được đặt tên "Nhà của Bon" theo tên con trai gia chủ. Tổng chi phí sửa chữa là 150 triệu, đã bao gồm nội thất.
"Trước khi cải tạo, tôi tham khảo nhiều nơi và thấy chi phí này khá hợp lý" chị Trang nói. Theo nữ giáo viên, nhà không chỉ là nơi về ngủ mà còn là nơi tái tạo năng lượng sống, để được an trú và bình yên. "Dù nhà mua hay thuê, cũng cần được sắp xếp và bố trí phù hợp với cuộc sống", chị chia sẻ.
Màn biến hình căn hộ sau khi chia sẻ lên một diễn đàn trên mạng xã hội đã lập tức "gây sốt" với hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Hầu hết ý kiến đều cho rằng họ bất ngờ vì sự thay đổi "tưởng như không thể xảy ra" với một chi phí khá thấp. Việc tiên phong trong cải tạo, sửa sang lại nơi ở đi thuê của chị Trang đã tạo cảm hứng cho nhiều người khác trong việc chăm sóc không gian sống cho gia đình mình.