Ông Trần Chánh Nghĩa năm nay đã 73 tuổi. Cái tên của ông quá đỗi quen thuộc với những đồng nghiệp và độc giả miền Nam. Ông quê gốc ở Tuy An, Phú Yên, lớn lên ở TPHCM.
Mê văn chương và viết lách, lớp 8 cậu bé Nghĩa năm đó đã có bài viết đầu tiên của mình đăng lên báo. Năm 17 tuổi, cậu học sinh trượt tú tài 1, tương đương lớp 11 bây giờ.
Một lần, ông Nghĩa thấy trên báo có hình ảnh cậu bé 13 tuổi cầm trên tay chiếc máy ảnh, đầu đội nón có in dòng chữ "Press" (Báo chí) rồi lập tức mê mẩn hình tượng đó. Thế nên, khi được một người quen giới thiệu vàotrong một đài truyền hình nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn lúc bấy giờ, chàng trai Chánh Nghĩa nhận lời ngay.
Công việc ban đầu của ông chỉ là vác máy quay. Sau gần 3 tháng, ông đã thạo việc, nhận được những tháng lương đầu tiên trong đời.
"Làm quay phim tôi không khoái. Nhưng nhờ được tiếp cận môi trường báo chí mà tôi có cơ hội quen biết được nhiều đồng nghiệp", ông Nghĩa nói.
2 năm sau, cơ duyên dẫn ông đến với một tờ báo - nơi ông được thỏa đam mê viết của mình. Thế nhưng, bài báo dài 2 trang giấy sau khi được thư ký tòa soạn đọc qua đã xé toang. Buồn có, giận có, nhưng ông Nghĩa không phản ứng. Lấy lại bĩnh tĩnh sau ít giây, ông hỏi lý do và được cấp trên chỉ dẫn để đi làm lại.
Như "được sáng mắt ra", thời gian sau đó, chàng phóng viên trẻ viết đa dạng các mảng từ xã hội, y tế, đến giáo dục… Vừa làm, ông vừa học. Học từ sách và kinh nghiệm chụp ảnh từ chính cả cậu bé 13 tuổi xuất hiện trên mặt báo năm nào khi ông có dịp gặp mặt. Trước năm 1975, ông Nghĩa cộng tác một lúc cho 3 tờ báo. Ông viết hăng say, viết không biết mệt.
"Nếu tôi tức giận và phản ứng tiêu cực khi bị anh thư ký tòa soạn xé bài báo, có lẽ tôi không sẽ không có được như ngày hôm nay", cựu phóng viên trầm ngâm hồi tưởng.
Để có "ngày hôm nay", ông Nghĩa đã từng có hơn 20 năm rời xa TPHCM, xa nghề báo để làm đủ nghề mưu sinh. Sau năm 1975, ông ra Khánh Hòa làm công nhân cầu đường, làm muối, làm nông... Sau đó lập gia đình và có 3 người con.
Vốn là con út có cha mẹ và các anh chị em đều sống ở TPHCM, năm 1990 ông Nghĩa bán nhà ở Khánh Hòa, đưa vợ con trở lại thành phố. Gia đình ông sống trong căn nhà trên đường Trần Quý Khoách, quận 1.
Ở xóm này, "ông Nghĩa bán bia" - biệt danh vẫn còn được những người lớn tuổi trong khu phố dùng để gọi phóng viên Trần Chánh Nghĩa. Thuở mới vào, ông làm nghề bỏ mối bia cho các quán nhỏ. Mấy tháng sau, ông đã mở cho mình một đại lý, sắm được xe tải nhỏ để vận chuyển, kiếm được rất nhiều tiền.
"Tôi không nghĩ mình có cơ hội quay lại nghề báo. Ngay cả niềm đam mê văn chương của tôi cũng chẳng buồn nuôi dưỡng", ông tâm sự.
Thế rồi năm 1999, báo Thanh niên ra chuyên mục đường dây nóng. Hễ ở đâu có bạn đọc phản ánh nhà sập, cháy nhà hay tai nạn nghiêm trọng… người đàn ông khi đó đã gần 50 tuổi, bỏ hết công việc, tức tốc chạy đến đưa tin.
Một năm sau, ông chuyển sang báo Tuổi trẻ, cũng làm công việc trực đường dây nóng. Đồng nghiệp đặt cho ông biệt danh "thổ địa Sài Gòn" vì không có nơi nào thiếu dấu chân phóng viên Trần Chánh Nghĩa.
Phóng viên Mạnh Linh, báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: "Hơn chục năm trước lúc mới vào nghề, tôi được cơ quan giao phụ trách mảng tin nóng. Thời điểm đó, không có nguồn tin để chạy mà 'bố Nghĩa' nguồn tin rất mạnh, thế là tôi thường xin bám theo bố để làm tin nóng.
Nguồn tin của bố nhiều lắm, không chỉ riêng cơ quan chức năng mà đến cả những bác xe ôm ngoài đường. Mỗi khi có sự vụ ở Sài Gòn, bố hầu như có thông tin đầu tiên. Tôi hay gặp bố nhiều nhất ở các vụ cháy lớn, những tai nạn nghiêm trọng. Mặc dù bố đã lớn tuổi nhưng bố luôn yêu nghề, bất kể ngày đêm, bố đi làm đều chở vợ đi cùng".
Năm nay, tuổi tác đã lớn không còn cho phép ông rong ruổi ngoài đường mãi. Những tháng năm xuôi ngược với đam mê dành cho nghề báo đã được ông kết lại trong cuốn sách: "Đất và người phương Nam" gồm 2 tập. Tập 1 mang tên "Một thuở Saigon", chia sẻ lại những bài báo viết về mảnh đất cho ông 2 lần được làm nghề báo. Tập 2 của cuốn sách với cái tên "Dấu chân xuôi ngược", tổng hợp những bài báo lão phóng viên dọc ngang khắp các tỉnh thành để đi viết.
Trong cuốn sách vừa xuất bản, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Nguyên Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam viết lời tựa: "Anh đi nhiều, đến tận nơi, bất kể giờ giấc nào, dù xa xôi, dù khuya khoắt nửa đêm hay tinh mơ trời sáng. Sau này anh còn đảm nhận mục tin nhanh tin nóng. Ở đâu có lật xe, hỏa hoạn, lở núi, sập cầu… là anh có mặt. Đám phóng viên trẻ phóng xe lao đến nơi đã thất kinh thấy ông già gân đã đến trước ít phút".
"Với tôi, thành phố này dường như vẫn chưa đủ để tôi khám phá", ông phân trần.
Còn nhớ một ngày cuối tháng 12/2011, thời điểm chỉ còn vài ngày nữa bến phà Thủ Thiêm kết thúc sứ mệnh lịch sử kéo dài tròn 100 năm, nhường chỗ cho đoạn đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam sắp thông xe, dù ngoài 60 tuổi, ông cũng đến đưa tin. Ông đứng lặng lẽ quan sát phòng vé, từng ánh mắt lãng đãng của những công nhân phục vụ hay chiếc cổng vào phà chẳng ai buồn đóng. Dường như, người đàn ông muốn ôm trọn hết thảy những sự việc, cảm xúc của những ai có mặt ở đó để truyền tải đến độc giả.
Những năm tháng đó, trên chiếc xe máy cũ, yên sau không lúc nào thiếu bóng người vợ. Người phụ nữ hàng ngày vẫn có thói quen mua báo giấy, tìm đọc những bài viết của chồng rồi lẳng lặng cắt ra dán thành một cuốn album.
Bà hiếm khi phát hiện những đề tài nhưng luôn nói đủ thứ chuyện trên đời, xua tan cơn buồn ngủ khi chồng phải lái xe hàng giờ để đi tác nghiệp. Đến hiện trường, trong khi chồng xông xáo phỏng vấn, ghi nhận, bà đứng một góc giữ xe.
Phóng viên Mạnh Linh cho biết thêm, "bố Nghĩa" là một người rất gần gũi với phóng viên và cũng chính vì thường xuyên gặp đôi vợ chồng già cùng nhau tác nghiệp nên lớp trẻ mới vào nghề rất thương quý, gọi 2 người là "bố mẹ". "Bố là một người tôi cũng như anh em làng báo Sài Gòn luôn kính trọng trong lòng", anh Linh nói.
"Tôi phải cám ơn vì Sài Gòn cho tôi nhiều cơ hội, sẵn sàng đón nhận tôi quay lại với nghề", ông Nghĩa trải lòng.
Sở dĩ ông Nghĩa nói như thế là bởi, trong quá trình tìm kiếm những đề tài mới, những nhân vật nhỏ bé đời thường ít người biết đến, lão phóng viên nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
10 năm cuối cùng trong sự nghiệp làm nghề, ông Nghĩa chọn mảng đời sống. Ông viết về vùng đất, con người Nam bộ từ các địa danh, điển tích, nhân vật...
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ thêm: "Đôi khi anh viết về một cụm từ dân gian, hay một huyền thoại nào đó mà chả mấy ai biết về nó".
Chẳng mấy ai biết, nhưng lão phóng viên cứ đi và hỏi, có khi những người dân xa lạ ở thành phố này cầm tay, dẫn đến tận nơi có người mà ông đang tìm.
2 năm nay, phần vì sức khỏe, trí nhớ giảm sút bởi tuổi già, phần buồn thương người vợ tào khang đã qua đời, ông Nghĩa thôi làm báo. Cuối đời, ông cho rằng bản thân rất tự do tự tại, mãn nguyện vì đã có 10 năm làm nghề cuối cùng ở báo Vietnamnet. Nơi đây đã cho ông tờ giấy hợp đồng đầu tiên trong đời, sau những năm làm cộng tác viên cho nhiều báo.
"Không những thế, ở đó còn có ân tình của một đồng nghiệp cũ, người này đã tặng tôi gần 100 triệu đồng để xuất bản sách. Cuốn sách là thành quả lao động không biết mệt là gì của tôi - một phóng viên có "trình độ văn hóa trung học và nghiệp vụ tự học", ông Nghĩa cười lớn, vén những cọng tóc thưa, nói với giọng đầy tự hào.
Nội dung: Diệp PhanThiết kế: Thanh Nhật