Mấy hôm trước, khi nói chuyện với 2 con, mình bảo: "Nếu có kiếp sau và nếu được chọn, mẹ sẽ chọn được làm con gái của bà ngoại thêm 10 kiếp nữa".
Mẹ và tác giả khi còn thơ bé. Ảnh: NVCC
Khi còn bé, rất nhiều lần mình từng nghĩ giá mà được làm con gái của bác Hiền!
Bác Hiền là chị gái của mẹ và là một thái cực với mẹ trong cách nuôi dạy con cái và rất nhiều thứ khác. Trong khi mẹ luôn nghiêm khắc, quản lý chặt mọi mặt của 2 anh em mình thì bác Hiền - giống như tên của bác - cực kỳ dễ tính, thoải mái và chẳng bao giờ thấy bác quát mắng các anh chị chứ đừng nói là đánh!
Sang nhà bác muốn nghịch gì thì nghịch, chơi gì thì chơi, bác chiều tất!
Trong mười mấy anh chị em họ (cùng là cháu ruột của bà ngoại), mình có lẽ là đứa ít được đi chơi nhất. Biết bao lần các nhà tụ tập, các anh chị rủ rê đi chơi chỗ này chỗ kia, nếu đi gần, đi ngắn thì may ra mình được tham gia, còn đi xa đi lâu lâu tí là đừng hòng! Vì hồi bé thì “còn bé”, mà lớn hơn thì “phải ở nhà học bài”. Nhiều vụ, đến 2 đứa em út ít là cái Chíp, cái Bông cũng được đi, riêng mình phải ở nhà!
Nhớ hồi 4-5 tuổi, có một hè cả gia đình bác Hiền và nhà mình cùng lên Hà Nội chơi, nhưng nhà mình phải về sớm vì bố mẹ phải đi làm, mình xin bố mẹ ở lại với 2 bác. Mấy hôm sau về lại Hải Phòng, đi xích lô qua nhà nhưng nhất định mình không xuống, xin 2 bác cho về thẳng nhà 2 bác ở luôn! Thế mà bác đồng ý. Rồi mình về nhà 2 bác mấy hôm, sau đó bị mẹ đón về!
Hè lớp 6, lớp 7 biết đạp xe, mình toàn một mình đạp xe 6-7km bắt chéo thành phố (từ nhà trên Lý Tự Trọng đến nhà bác tận dưới Niệm Nghĩa) để chơi đủ trò, từ trèo cây hái quả đến ra bờ kênh nghịch đất cát, hái hoa nhổ cỏ đến tận tối mịt.
Hồi ấy chuyên có trò đến nhà bác thì thay quần đùi áo phông của anh Bách, mặc đi nghịch bẩn, về nhà bác rửa chân tay sạch sẽ, thay lại đồ sạch của mình rồi mới về để khỏi bị mẹ mắng!
Nhưng từ lớp 7-8 trở đi thì mình hết ước trở thành con gái bác Hiền. Sau 1 lần theo cả lớp ngoại ngữ đi thăm thầy giáo bị ốm ở bệnh viện mà không báo với mẹ, về muộn bị mẹ mắng, mình mới hiểu ra. Với mình, mẹ giám sát rất chặt, không phải vì kìm kẹp gì cả, mà bởi nỗi lo mẹ dành cho mình quá lớn!
Tác giả được mẹ bế trên tay. Ảnh: NVCC
Lên cấp 2, mình bắt đầu hiểu tại sao mẹ nghiêm khắc với mình và bắt đầu tu sửa để không bị mẹ mắng phạt nữa. Bây giờ nghĩ lại mình mới hiểu ra nguyên nhân sâu xa, là bởi khi còn bé mình từng gặp tai nạn ngay tại nhà hàng xóm cách vài chục mét, chắc bởi thế mà mẹ luôn có một nỗi lo đặc biệt hơn dành cho mình.
Khi đủ lớn đủ hiểu, mẹ lại đặc biệt tin tưởng và cho mình làm những thứ mà nhiều bạn bè cùng lứa cùng lớp ngày ấy chưa được làm.
Lớp 7 mẹ bắt đầu giao quyền đi chợ hàng ngày cho mình. Từ lớp 8, mẹ còn cho mình chủ động một mình đi sắm Tết. Hè lớp 8, lần đầu tiên mẹ cho mình tự đi tàu hỏa lên Hà Nội chơi, dắt theo 2 đứa em kém 3 tuổi (nhưng tất nhiên là mẹ đưa ra tận ga, mẹ đứng chờ tàu chạy rồi mới về và ở đầu Hà Nội thì anh Hiếu ra tận nơi đón).
Lớp 12 mẹ cho mình được tự quyết định lựa chọn việc mạo hiểm thi học sinh giỏi quốc gia thay vì chọn con đường an toàn thi đại học bởi mình đề đạt “Đại học có thể thi lại nhưng nếu không thi học sinh giỏi, con sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trải nghiệm nó nữa”.
Từ khi vào cấp 2, lên cấp 3, mình đã nhận ra may mắn lớn nhất cuộc đời của mình chính là được làm con gái của mẹ. Mẹ chưa bao giờ ép buộc mình học thứ gì nhưng lại luôn khéo léo định hướng, tạo hứng thú, và tạo điều kiện để mình thích mọi thứ, thử mọi thứ và xin mẹ học mọi thứ.
Cấp 1 thì mình xin học thêu, võ, vẽ, cắm tỉa hoa. Cấp 2 thì học đàn, bơi, mẹ dạy nấu ăn, làm bánh, làm mứt. Bao nhiêu lần mẹ đưa đi khắp nơi tìm thầy học đàn đến khi thấy phù hợp thì thôi!
Cuối cấp 2 mẹ hướng dẫn và trang bị cho cả đống dụng cụ thí nghiệm để tự làm phản ứng hoá học đơn giản tại nhà, thử làm pháo hoa, thử giâm - chiết - ghép các loại cây, rồi tự cất tinh dầu bằng phương pháp cất kéo hơi nước nữa!
Mẹ là cô giáo, nhưng mẹ cũng là bạn. Chơi với mẹ, việc học của mình đúng là “chơi mà học”. Chương trình sinh học cấp 2 toàn được mẹ truyền dạy lúc... nằm trên giường buôn chuyện! Cứ nói chuyện miên man, hết thực vật đến động vật, hết bậc thấp đến bậc cao, hết ngành đến giới - bộ - họ - chi - loài. Nói chuyện linh tinh thế mà cũng đủ để khi thi học sinh giỏi môn Sinh mình đạt giải.
Nghe lỏm mẹ dạy Hoá từ suốt cấp 1, đến lớp 6 đòi mẹ dạy, mẹ lại dạy cho... mấy bài thơ, thế mà ngấm lạ kỳ! Từ cuối lớp 7, sau khi xong chương trình Hoá lớp 9 với mẹ, 2 mẹ con như trở thành đồng nghiệp, tri kỷ, cùng nhau tìm tòi sách nâng cao, cùng giải bài khó.
Mẹ còn là 1 kho tàng văn học tiểu thuyết. Không hiểu mẹ đọc từ bao giờ mà tiểu thuyết văn học kinh điển nào mẹ cũng biết và nhớ. Tối tối nằm nói chuyện với mẹ, nghe mẹ kể miên man từ Jane Eyre, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, đến Người tình tuyệt vời, bức họa Maja khỏa thân, rồi Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông chu liệt quốc,...
Con gái nghĩ ra “chiến lược” cứ đến ngày lễ hay sinh nhật là lại đi mua những cuốn sách mẹ kể về tặng mẹ (vì mẹ kể hồi trẻ lấy đâu ra tiền mua sách, toàn đi mượn). Thế là con gái cũng được đọc ké và say sách từ lúc nào không biết.
Giữ nguyên tắc không ép buộc, chỉ gợi ý. Thế mà có 1 chuyện mẹ kể là mẹ day dứt mãi với mình. Từ bé mình đã nuôi mơ ước sẽ đi học Mỹ phẩm ở Pháp. Nhưng lớp 6 lên Hà Nội chơi, nhìn thấy cánh cổng parabol của trường Đại học Bách khoa, mình đã tuyên bố: nhất định con sẽ thành sinh viên Bách khoa để được đi qua cánh cổng ấy.
Lớp 12 được tuyển thẳng đại học, mình lập tức chọn Bách khoa nhưng vì Bách khoa không có Mỹ phẩm nên mình chọn ngành thực phẩm. Bố mẹ và thầy thì đều khuyên mình vào Dược Hà Nội. Phút cuối cùng trước khi Sở Giáo dục chốt sổ, mình đã theo gợi ý của bố mẹ và thầy chuyển hồ sơ sang Đại học Dược Hà Nội. Đêm ấy mình không ngủ được vì tiếc khi giấc mơ Bách khoa không thành hiện thực. Mẹ bảo mẹ cũng thấy áy náy mãi vì khi định hướng không tốt thì khác nào ép con lấy một người chồng mà con không yêu!
Nhưng trong chuyện yêu đương, mẹ đã luôn là người bạn tri kỷ không can thiệp, chỉ chia sẻ và đưa ra lời khuyên. Con gái đi học xa, mẹ còn là người bạn động viên, an ủi, củng cố niềm tin cho anh chàng bạn trai ở nhà. Con gái lấy chồng, mẹ bảo giờ trai gái dâu rể mẹ yêu đều như nhau, nhưng thương anh chàng rể nhất vì vất vả...
10 tuổi, khi Fanni hỏi về bà ngoại, Emil đã xoa đầu em và bảo “bà ngoại là người phụ nữ tuyệt vời nhất đời! Thật tiếc vì em không được chơi nhiều với bà!”.
Mấy hôm trước, khi nói chuyện với 2 con, mình đã bảo: "Nếu có kiếp sau và nếu được chọn, mẹ sẽ chọn làm con gái của bà ngoại thêm 10 kiếp nữa".
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.Trân trọng cảm ơn! |
Thầy Thích Thọ Lạc: Vu lan mùa báo ân, nên làm việc thiện, nói lời ái ngữ"Đối với Phật giáo, chỉ có tu mới chuyển được nghiệp. Mùa Vu lan nên làm việc thiện, nói lời ái ngữ để cầu sự bình an cho bản thân, gia đình, hồi hướng cho tổ tiên", Thượng tọa Thích Thọ Lạc chia sẻ.