Ngành Tài chính trong kỷ nguyên số

12/10/2024 11:27

Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.

Chuyển đổi số tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Trước những tác động này, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, xoay quanh về công cuộc chuyển đổi số của Bộ Tài chính.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

NĐT: Bộ Tài chính đã có nhiều năm trong top đầu về mức độ chuyển đổi số khối các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công. Thưa ông, Bộ Tài chính đã xác định những mục tiêu chiến lược nào để có được kết quả này?

Ông Nguyễn Việt Hà: Liên tục 8 năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, hai năm 2021 và 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Để có được kết quả chuyển đổi số thành công trong những năm qua, Bộ Tài chính đã đặt ra 3 mục tiêu chính tại kế hoạch chuyển đổi số.

Đầu tiên là việc cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời một cách thuận tiện, đơn giản, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Ngành Tài chính trong kỷ nguyên số

Ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Ảnh: Hữu Thắng).

Mục tiêu quan trọng tiếp theo là việc huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội, chính là việc người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của Bộ Tài chính.

Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của Bộ Tài chính.

Thứ ba là việc thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.

Đích đến cuối cùng của các mục tiêu trên là hình thành hệ sinh thái tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.

NĐT: Xin ông cho biết, quá trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính có tác động gì đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Ông Nguyễn Việt Hà: Tại Việt Nam, 97% số doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình nhỏ và vừa, đem lại việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động. Nhằm tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tài chính đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhằm thay đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Điều này giúp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hệ thống nghiệp vụ cốt lõi nhằm cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số chất lượng phục vụ xã hội.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử phạm vi toàn quốc. Đây là hệ thống lớn đem lại những tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp.

Có thể kể đến một số tác động như giúp người bán giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.

Ngành Tài chính trong kỷ nguyên số

Thực hiện đúng các quy định về hóa đơn giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.

Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi.

Bên cạnh đó, mang nhiều lợi ích chung cho xã hội, như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính cũng đang đẩy nhanh quá trình triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh nhằm giúp quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; hoạt động ổn định, tự động hóa cao hơn các hệ thống hiện hành.

Về cơ bản, các khâu thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh như khai báo, nộp hồ sơ hải quan, phân luồng kiểm tra, trừ lùi giấy phép, thông quan hàng hóa… hiện đã được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

NĐT: Dù vậy, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với hệ thống số hóa. Vậy ông cho biết có kế hoạch nào để đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số không?

Ông Nguyễn Việt Hà: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" là thông điệp chính sách quan trọng cho thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số, Bộ Tài chính sẽ rà soát, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị trong ngành Tài chính.

Cùng với đó là việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định nội bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ phát triển Bộ Tài chính số.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để khuyến khích người dân và doanh nghiệp cung cấp, sử dụng các dịch vụ tài chính số.

Đường đến hệ sinh thái Tài chính số vào năm 2030

NĐT: Liệu có những bài học nào quý giá mà Bộ đã rút ra khi triển khai hoặc khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hà: Thú thực, “vạn sự khởi đầu nan”. Mặc dù, công cuộc triển khai chuyển đổi số của Bộ Tài chính đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng cũng có những mặt tồn tại, hạn chế.

Vướng mắc đầu tiên chính là về mặt thể chế, chính sách. Một ví dụ liên quan đến thể chế, chính sách chính là quy trình đầu tư một dự án công nghệ thông tin/chuyển đổi số. Chuyển đổi số là công việc đòi hỏi phải triển khai ngay trong một thời gian ngắn, triển khai cấp bách để thích ứng, theo kịp với những diễn biến thay đổi của đời sống, kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, quy trình và thủ tục để triển khai một dự án công nghệ thông tin chuyển đổi số còn phức tạp, từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến việc lập dự án, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng và triển khai hợp đồng, nếu nhanh thì khoảng 2 năm, nếu chậm thì khoảng 4 năm, đến khi dự án triển khai xong thì công nghệ đã lỗi thời. Do vậy, tháo gỡ được về thể chế chính sách thì công nghệ mới phát huy được hiệu quả tối đa.

Vướng mắc thứ hai chính là về nguồn nhân lực. Hiện nay, trong khối cơ quan hành chính Nhà nước (trong đó có Bộ Tài chính), nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin/chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về mặt số lượng.

Nguyên nhân xuất phát từ việc mức lương trong cơ quan hành chính Nhà nước còn thấp hơn nhiều so với mức lương của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin bên ngoài.

Ngành Tài chính trong kỷ nguyên số

Bộ Tài chính định hướng đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số.

Mặt khác, cơ quan Nhà nước chưa có chính sách đãi ngộ, cơ chế đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số dẫn đến việc nguồn nhân lực công nghệ thông tin/chuyển đổi số “thiếu” trầm trọng.

NĐT: Nhìn vào tương lai xa hơn, Bộ Tài chính có dự định phát triển các dịch vụ tài chính công hoàn toàn dựa trên nền tảng số hóa, và liệu có thể kỳ vọng vào một hệ thống quản lý tài chính quốc gia hoàn toàn tự động hóa trong thời gian tới không?

Ông Nguyễn Việt Hà: Bộ Tài chính định hướng đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.

Đồng thời cũng đưa ra một nhiệm vụ giải pháp quan trọng, chính là việc ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số để tiết kiệm thời gian, chi phí và tự động hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã có dự định phát triển các dịch vụ tài chính công hoàn toàn dựa trên nền tảng số hóa, hướng tới hệ thống quản lý tài chính quốc gia tự động hóa hoàn toàn.

Một số giải pháp Bộ Tài chính đã cụ thể hóa như việc xây dựng, tích hợp giải pháp OCR ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Cơ quan Bộ Tài chính, triển khai trợ lý ảo Chatbot; triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ thủ tục hành chính thuế, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng cho người nộp thuế và cán bộ thuế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt nhằm tăng cường quản lý rủi ro trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

NĐT: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng: 0

Tặng sao cho tác giả

Hữu ích5

Hấp dẫn

10

Đặc sắc

15

Tuyệt vời

Theo Nguồn www.nguoiduatin.vn

Ngành Tài chính trong kỷ nguyên số - Kinh Tế