Trong dịch Covid-19, điều này càng phổ biến hơn khi mọi người làm việc ở nhà. Ben cũng bị ý tưởng thu hút nhưng không nghĩ rằng anh có thể làm như bạn mình. Công việc của anh là hỗ trợ các công ty tài chính tiếp thị sản phẩm mới, liên quan đến viết báo cáo, câu chuyện, bản thuyết trình. Tất cả đều cần viết lách.
Tuy nhiên, năm 2022 anh bắt đầu nghe nhiều hơn về ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo của OpenAI. Rất nhanh sau đó, anh tìm cách dùng chatbot để xử lý công việc nhanh và hiệu quả hơn. Công việc vốn tiêu tốn thời gian trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đó cũng là lúc anh nghĩ về công việc thứ hai. Năm nay, anh quyết định thử sức.
"Thành thật mà nói, ChatGPT làm khoảng 80% công việc của tôi", Ben, chàng trai đang sống ở Toronto chia sẻ. Anh thậm chí còn dùng ChatGPT viết thư xin việc.
ChatGPT và các công cụ AI đang giúp nhiều người làm 3-4 công việc cùng lúc. Ảnh minh họa: VICE
Trong vài tháng qua, sự bùng nổ của ChatGPT và các công cụ tương tự đã dẫn đến lo ngại về tác động lên thị trường lao động quốc tế, đặc biệt là những việc làm có thể tự động hóa hoàn toàn. Dù vậy, với một số những người cấp tiến và có chút tinh quái, AI mang đến cơ hội trời cho để tăng thu nhập gấp vài lần. Một số người từng làm hai việc một lúc, nay đã tăng lên gấp đôi nhờ ChatGPT.
Thực tế, có một cộng đồng dành cho những người như Ben, tự xưng là "overemployed". Họ chạy đua ngầm để tự động hóa công việc càng nhiều càng tốt bằng các công cụ AI trước cả khi ChatGPT ra đời. Khả năng gia tăng thu nhập hoặc đơn giản là giảm bớt gánh nặng khi làm nhiều việc một lúc khiến nhiều người lao vào thử nghiệm.
Chẳng hạn, khi một trong các ông chủ của Ben yêu cầu viết một câu chuyện về sản phẩm sắp ra mắt, anh sẽ giải thích bối cảnh và cung cấp mẫu cho ChatGPT để chatbot lên dàn ý và điền vào các mục. Ben cho biết, công cụ hiểu bối cảnh tốt hơn kể từ phiên bản GPT-4. Anh vẫn phải kiểm tra thông tin vì đôi khi bị sai, nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường. Việc chỉnh sửa không mất nhiều công sức.
Có lúc, Ben thậm chí còn yêu cầu ChatGPT soạn câu trả lời tin nhắn Slack của quản lý. Khi ấy, anh sẽ đề nghị chatbot viết hoàn toàn bằng chữ thường để trông tự nhiên hơn. Một người khác tiết lộ nhờ ChatGPT chép lại cuộc họp Zoom để xem lại.
Charles, kỹ sư phần mềm, quản lý sản phẩm và kiến trúc sư giải pháp, quen với việc đa nhiệm từ năm 2020. Trên công ty, anh giao các nhiệm vụ liên quan đến viết lách cho AI, chỉ cần nhập đầu vào là thông tin và thông số liên quan. Anh còn dùng chatbot viết hướng dẫn cho các kỹ sư.
Một người khác chuyên viết báo cáo tài chính lại thấy ChatGPT hữu ích nhất khi tạo macro trong Excel. Trước đây, anh thường mất một hoặc hai giờ để viết mã, chạy thử và bảo đảm mọi thứ hoạt động. Trong khi đó, với ChatGPT, chỉ cần cung cấp thông số, nó sẽ thực hiện ngay lập tức. Quy trình vốn mất hai tuần nay rút gọn chỉ trong vài tiếng.
Tiềm năng của ChatGPT không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ, tài chính. Marshall, một giảng viên đại học tại Anh - người bí mật điều hành một hãng quảng cáo và startup công nghệ, đã trở thành tín đồ của chatbot. Anh gọi nó là "trợ lý tốt chưa từng có". Marshall xem mình là người ra ý tưởng, còn ChatGPT là nhân công. Nó giúp anh tạo kế hoạch kinh doanh, tài liệu hệ thống nội bộ, viết blog, làm bảng Excel. Ước tính, ChatGPT hoàn thành 80% công việc và anh chỉ cần hoàn thiện 20% còn lại. Thậm chí, chatbot còn giúp anh giành được trợ cấp từ chính phủ và hoàn thành các môn học để được nhận bằng giảng dạy đại học khi quá bận với ba công việc.
Các thành viên của cộng đồng overemployed biết lãnh đạo không thích điều này nhưng họ không nghĩ đây là điều vô đạo đức. "Tôi không bao giờ hiểu được vì sao làm hai công việc lại là điều cấm kỵ", một người đặt câu hỏi. Chuyên gia tài chính kể trên nói anh bắt đầu làm nhiều việc vì không tin rằng nếu làm một công việc chăm chỉ sẽ được trả lương cao hơn.
Charles là người theo đuổi phong trào "FIRE", viết tắt của "Financial Independence, Retire Early" (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Dù chưa tới 30 tuổi, anh đã nhận lương 500.000 USD mỗi năm cho hai việc đang làm và sở hữu tài sản khoảng 3 triệu USD. Anh hi vọng có thể tăng thu nhập lên 800.000 USD bằng cách nhận thêm việc thứ ba và có tài sản 10 triệu USD năm 35 tuổi.
Nhìn chung, cộng đồng overemployed đang khai thác công cụ AI một cách hiệu quả hơn những gì ông chủ của họ vẫn nghĩ. Tuy nhiên, một người cho rằng họ nên giữ im lặng về những gì mình đang làm vì một khi nhà quản lý biết được công việc có thể tự động hóa, nguy cơ mất việc sẽ càng lớn.
Hầu hết đều thừa nhận, dù đã có ChatGPT, công việc của họ vẫn cần chuyên môn căn bản. Cũng có người lo lắng sẽ bị AI thay thế. Ryan, chuyên gia phân tích dữ liệu và tiếp thị, dựa vào chatbot để viết blog chỉ trong 45 phút thay vì ba tiếng. Song, cùng với sự phấn khích là cảm giác lo sợ khi ChatGPT xâm nhập vào lĩnh vực tiếp thị, cũng giống như cách các máy dệt xâm lấn vào ngành dệt may. Khi ấy, chỉ cần một khung dệt cũng đủ sức đối đầu với 100 thợ dệt.
Huy Phương