Sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật còn nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể là việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này. Thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội nên cần có hành lang pháp lý cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Ngoài ra, việc sửa đổi luật có khắc phục tình trạng thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước.
Mặt khác, việc sửa luật nhằm tạo sự đồng bộ với các luật ban hành sau về an toàn, an ninh mạng.
Không chỉ vậy, việc sửa đổi luật còn tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Luật sửa đổi cũng khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Mở ra nhiều cơ hội
Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan này tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sửa Luật GDĐT tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang số.
Ông Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến uỷ ban này tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Pháp luật của một số quốc gia đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử đối với nhiều lĩnh vực.
Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận thấy quy định pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…).
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.
Dự luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4. Cụ thể, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 7/11, sau đó thảo luận ở hội trường vào ngày 14/11.