Bài học tiết kiệm cho châu Âu từ khủng hoảng năng lượng Nhật

29/07/2022 12:50
Châu Âu có thể rút ra bài học tiết kiệm từ cuộc khủng hoảng năng lượng Nhật năm 2011, từ tắt bớt đèn, máy in cho đến thang cuốn.

 

Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 thông qua đề xuất tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga ngày càng bị thắt chặt.

"Mục đích của hoạt động cắt giảm tiêu thụ khí đốt là tiết kiệm trước mùa đông, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, khi Moskva tiếp tục sử dụng năng lượng như một loại vũ khí", các bộ trưởng EU cho biết.

Giới quan sát cho rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" khí đốt sẽ là một thử thách lớn với châu Âu, nhưng châu lục này có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá từ những biện pháp tiết kiệm năng lượng mà Nhật Bản đã áp dụng trong cuộc khủng hoảng năm 2011.

Bài học tiết kiệm cho châu Âu từ khủng hoảng năng lượng Nhật

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans phát biểu tại cuộc họp báo về tiết kiệm khí đốt ở Brussels, Bỉ, ngày 20/7. Ảnh: Reuters.

Tiết kiệm năng lượng, hay "setsuden", là chiến dịch toàn quốc được Nhật Bản phát động sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp trục trặc. Điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau sự cố nhà máy hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Tokyo Electric Power Co. (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy Fukushima, mất khoảng 40% công suất sản xuất điện sau thảm họa. TEPCO lần đầu tiên phải thông báo lịch cắt điện và liên tục dừng cấp điện cho khu vực thủ đô trong những tuần kế tiếp. Công ty cuối cùng phải tái khởi động các nhà máy điện kiểu cũ, sử dụng than và khí đốt.

Đến tháng 5/2011, chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân và doanh nghiệp ở Tokyo và miền bắc Nhật Bản giảm tiêu thụ điện năng 15% trong giờ cao điểm mùa hè.

Hưởng ứng chiến dịch "setsuden", trong những tháng sau đó, các trung tâm thương mại trên toàn Nhật Bản tắt thang cuốn, nhà máy giảm thời gian hoạt động của các dây chuyền sản xuất, các cửa hàng pachinko, loại máy đánh bạc ồn ào với nhiều bóng đèn nhấp nháy, đóng cửa.

Hầu hết công ty Nhật Bản đều áp dụng chế độ "thắt lưng buộc bụng", tắt đèn và giảm hoạt động thang máy. Bộ Môi trường Nhật Bản đặt mục tiêu cao hơn, cắt giảm 25% năng lượng tiêu thụ của cơ quan thông qua những biện pháp như tắt nửa số máy in trong giờ cao điểm, yêu cầu nhân viên tự mang đồ uống lạnh để tắt bớt máy bán hàng tự động.

Các đội bóng chày và bóng đá chuyên nghiệp dừng thi đấu buổi tối, chuyển trận đấu về buổi chiều để giảm nhu cầu chiếu sáng. Các công sở tăng nhiệt độ điều hòa, khuyến khích người lao động tham gia chiến dịch "Cool Biz" của chính phủ Nhật, mặc quần áo thoáng mỏng hơn trong mùa hè.

Hãng ôtô Nissan Motor điều chỉnh thời gian hoạt động của nhà máy để giảm áp lực lên lưới điện trong giờ cao điểm giữa buổi chiều. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson chuyển sang dùng đèn LED và lắp thêm tấm pin năng lượng mặt trời tại nhiều cửa hàng.

Bài học tiết kiệm cho châu Âu từ khủng hoảng năng lượng Nhật

Mitsuharu Taniyama chỉ để đèn mờ trong công ty bảo hiểm của ông ở Yokohama, Nhật Bản, hồi tháng 7/2011. Ảnh: NY Times.

Quan điểm của nhiều người dân Nhật Bản lúc đó là "chúng ta phải hành động, nếu không thảm họa sẽ xảy ra", Koichiro Tanaka, chuyên gia của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, nhớ lại.

Áp lực xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến dịch tiết kiệm năng lượng, theo Tanaka. Chính áp lực xã hội này cũng đã góp phần thúc đẩy người dân Nhật Bản tuân thủ tốt hơn quy định đeo khẩu trang trong đại dịch Covid-19.

Để bù đắp khoảng trống năng lượng hạt nhân, Nhật Bản chuyển sang sử dụng năng lượng hóa thạch như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than và dầu để sản xuất điện. LNG nhập khẩu từ Qatar tăng mạnh sau thảm họa, lên 15,66 triệu tấn năm 2012, cao hơn 2 lần so với mức năm 2010.

Đà tăng nhập khẩu năng lượng là một nguyên nhân khiến Nhật Bản thâm hụt thương mại năm 2011, lần đầu tiên trong 31 năm. Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái do thảm họa và thiếu năng lượng, bóp nghẹt đà phục hồi yếu ớt từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. GDP quý I/2011 của Nhật giảm 0,9% và đi ngang trong cả năm 2011.

Những biện pháp tiết kiệm triệt để trên toàn quốc đã giúp Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Chuyên gia Tanaka cho rằng tình hình của châu Âu hiện nay vẫn thuận lợi hơn Nhật trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng.

"Các nước châu Âu kết nối chung lưới điện, nên họ có thể vẫn có thể giúp đỡ nhau. Còn Nhật Bản chúng tôi không có sự xa xỉ đó. Chỉ có chúng tôi tự lực cánh sinh", ông nhấn mạnh.

Như Tâm

Theo vnexpress.net

Bài học tiết kiệm cho châu Âu từ khủng hoảng năng lượng Nhật - Kinh Tế