Nguy cơ bị mai một thương hiệu của các trường "họ" giao thông khi người học có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
Trường Đại học GTVT - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT và đất nướcMột thời vang bóng
Từ mái trường Đại học GTVT, hàng vạn kỹ sư giao thông đã tỏa đi khắp các công trình, công trường dự án giao thông mọi miền đất nước. Đã có một thời, để thi đỗ vào Trường Đại học GTVT là cả một niềm mơ ước của nhiều sinh viên, khi ra trường họ có 1 tấm bằng tốt nghiệp danh giá trong hành trang vào nghề.
Trưởng thành từ mái trường Đại học GTVT, PGS. TS. Hoàng Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, trước những năm 1980, ở Việt Nam, để bước chân vào cổng trường đại học, trong đó có các trường đại học thuộc lĩnh vực GTVT thật sự không hề dễ dàng. Nguyên nhân là do đất nước đang còn muôn vàn khó khăn, đội ngũ cán bộ giảng dạy còn thiếu, cơ sở vật chất đào tạo đơn sơ... Vì vậy, việc thi tuyển có thể nói là rất khắt khe, đề thi mỗi năm một khác và bao giờ cũng có một vài câu hóc búa đòi hỏi trí thông minh và nhạy bén của thí sinh. Đó chính là lý do gia đình có con em thi đỗ đại học thời kỳ đó thường mở tiệc ăn mừng.
Khi đó, "lọt" được vào Trường Đại học GTVT đã khó như vậy, theo học và trụ được qua 4 - 5 năm học còn khó hơn nhiều bởi theo thống kê khi tốt nghiệp chỉ còn khoảng 60% sinh viên vào từ năm đầu, số còn lại là từ các khóa trên lưu ban xuống. Những người "trụ vững" được phải có đủ trí tuệ, quyết tâm, tính kỷ luật và ý chí phấn đấu học tập thường xuyên, liên tục... để biến ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ thành hiện thực. Đây cũng chính là cơ sở để có những chuyên gia nổi tiếng ngành GTVT như: GS. TS. Nguyễn Phúc Trí, GS. TS. Bùi Danh Lưu, GS. TS. Phạm Hữu Phức, PGS. TS. Đào Xuân Lâm, GS. TS. Lê Quý An...
Nhận định của PGS. TS. Hoàng Hà cũng là sự nhìn nhận của TS. Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam. TS. Nguyễn Văn Bính chia sẻ, lĩnh vực GTVT có nhiều chuyên ngành, các chuyên ngành rất khoa học và thực tế, phải học thật và ra trường làm được thật. Nếu không học nghiêm túc, không chăm chỉ, không được đầu tư trong học tập (cả nơi đào tạo lẫn bản thân sinh viên) thì khi ra trường rất khó đạt hiệu quả công việc cao.
Còn theo TS. Phạm Công Trịnh - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ những năm đầu thế kỷ 21 trở về trước, học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc đều có khát vọng, mong muốn trở thành sinh viên của các trường thuộc lĩnh vực GTVT là bởi các trường này đều thuộc nhóm trường xếp hạng cao, có uy tín, chất lượng đào tạo tốt. Ông Trịnh nhớ lại: "Hồi đó, tuy kiến thức nặng nhưng sinh viên ra trường có việc làm ngay, trong khi số lượng đào tạo không ồ ạt nên việc sử dụng so với yêu cầu luôn thiếu. Ví dụ điển hình như khối ngành Công trình, Cơ khí và Kinh tế (vận tải) trước đây được đào tạo trong nước với số lượng không lớn, mỗi lĩnh vực 1 lớp với tối đa 50 sinh viên, trừ lĩnh vực công trình 2 lớp".
Với đặc thù của ngành GTVT nên việc đào tạo, cho ra nghề 1 kỹ sư đòi hỏi sự kỹ lưỡng, công phu. "Ngoài phần lý thuyết còn kết hợp với thực hành, thực tập rất cụ thể, không chỉ nội dung mà còn địa điểm thực tập. Sinh viên ngành Đường sắt hồi đó phải về các nhà ga, đi các tuyến, thực tập các vị trí như: ghi, dồn, móc nối; sinh viên Khoa Công trình thì đi tới hiện trường thi công khắp đất nước. Đặc biệt, không chỉ sinh viên phải đi hiện trường mà cả giảng viên cũng cùng khăn gói quả mướp theo cùng. Đây là đặc điểm của ngành GTVT khi phải công tác trên mọi nẻo đường Tổ quốc, bất kể nắng, mưa, bão tố, ngày lễ, Tết. Đồng quan điểm, PGS. TS. Tống Trần Tùng - chuyên gia đầu ngành lĩnh vực GTVT đánh giá: "Để đào tạo được một kỹ sư có tay nghề cao cho Ngành, ngoài giáo trình, tài liệu tham khảo thì các phòng thí nghiệm chuyên ngành, sự gắn kết với các đơn vị khảo sát, thiết kế, các công ty xây lắp, nhà máy, đơn vị vận tải... được nhà trường rất chú trọng. Không những thế, những năm đầu tiên ra trường, mối liên hệ giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng luôn được giữ vững, điều này khiến các trường "họ" giao thông luôn hấp dẫn học sinh".
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Hàng hải đang có chiều hướng gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế bắt đầu có sự phục hồiTrăn trở trong đào tạo nhân lực ngành GTVT
Một thực trạng đáng buồn hiện nay của các trường "họ" giao thông là một số ngành học vốn là thế mạnh của trường đang gặp khó trong công tác tuyển sinh, thu hút người theo học.
Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, người học giờ có sự đánh giá ngành học và quyết định học ngành nào theo xu thế của xã hội, trong đó tập trung vào các ngành nghề kinh tế, công nghệ thông tin... Trong khi đó, dù nhu cầu lao động của ngành GTVT là rất nhiều khi đất nước đang bước vào giai đoạn tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cả nước giờ là một "đại công trường" nhưng thu nhập so với mặt bằng lao động của xã hội không cao, nên 1 số ngành nghề ít sinh viên lựa chọn.
Chia sẻ về sự mất cân bằng trong việc lựa chọn ngành nghề của người học, PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, giờ nhắc đến lĩnh vực cơ khí, xây dựng công trình, đường sắt sẽ nhận được không ít sự e dè, không mặn mà của xã hội. Gần đây, các lĩnh vực về kinh tế, ngân hàng được quan tâm, chú ý nhiều hơn. Có thể nói đây là "lỗ hổng" rất lớn trong định hướng chiến lược xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Theo số liệu thống kê, hai năm học 2018 - 2019, 2019 - 2020, điểm trúng tuyển của Khoa Công trình (Trường Đại học GTVT) là ngành học danh giá hàng đầu trước đây ở mức thấp với 14,5 điểm. Các năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 tăng lên 16 điểm và điểm trúng tuyển kỳ tuyển sinh vừa qua của năm học 2022 - 2023 là 17 điểm.
Về số lượng tuyển sinh, lấy 3 cột mốc của 3 năm học để chúng ta có sự so sánh. 436 là con số sinh viên nhập học Khoa Công trình năm học 2020 - 2021. Ngược về 4 năm học trước (2016 - 2017), con số này là 1.168 sinh viên và tiến lên năm học hiện tại (2022 - 2023), số sinh viên nhập học là 635.
Qua những con số thống kê trên có thể thấy rõ sự thay đổi trong tư duy và cách thức chọn trường, chọn ngành học của học sinh và phụ huynh trong xã hội ngày nay.
Một thực tế khác có tác động không nhỏ đến sự băn khoăn trong lựa chọn của người học đối với một số lĩnh vực chủ đạo trong đào tạo của Nhà trường là mức thu nhập thấp. Cụ thể, tại các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng giao thông, mức thu nhập bình quân chỉ ở mức 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, những vị trí cao hơn dao động ở mức 15 - 16 triệu đồng/người/tháng. Do đặc thù công việc của các ngành này phải đi làm xa nhà, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên mức thu nhập như vậy không đủ để thu hút lao động. "Nhân lực chất lượng cao của ngành GTVT đang thiếu, nhân lực quản lý cũng đang ở mức báo động, từ đó gây ra hiệu ứng không nhỏ làm chi phí và giá thành nhiều công trình đội giá, gây khó khăn trong công tác điều hành và tiến độ dự án, công trình", PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương lo ngại.
Cũng giống như Trường Đại học GTVT, những năm gần đây và năm học vừa qua, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam "đứng chân" trên địa bàn TP. Hải Phòng, nhu cầu về nhân lực ngành Đóng tàu là rất lớn, song ngành này lại gặp khó trong tuyển sinh. Theo PGS. TS. Trần Ngọc Tú - Phó Trưởng khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh ngành Đóng tàu có chiều hướng phục hồi song lượng người học đăng ký và điểm đầu vào vẫn ở mức thấp. Thực tế này không nằm ngoài nguyên nhân học sinh lựa chọn ngành nghề theo xu thế xã hội, ngoài ra dịch bệnh cũng khiến ngành Đóng tàu chưa thể vực dậy sau hàng loạt khó khăn kéo dài. Thêm vào đó, mức thu nhập cũng là một trở ngại khiến ngành này kém hấp dẫn sinh viên theo học.
Đối với nghề đi biển, lý do người học không còn hứng thú, theo PGS. TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chính là nghề này được xem là nặng nhọc, nguy hiểm, lao động thường xuyên lênh đênh trên sóng nước, xa gia đình, xa đất liền dài ngày. PGS. TS. Nguyễn Minh Đức cho biết, năm 2021, số lượng sinh viên theo học ngành Điều khiển tàu biển là 200 sinh viên, Khai thác máy tàu biển là 150 sinh viên, đây là con số đáng phải lo ngại.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu lao động của nhiều ngành nghề vốn là chủ đạo, thế mạnh của các trường "họ" giao thông vẫn rất cấp thiết, tuy nhiên không còn nhận được nhiều sự quan tâm của người học, điều này không những dẫn đến sự mất cân đối trong công tác đào tạo mà còn gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng phục vụ tiến trình tập trung, đẩy mạnh kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, không ít trường thiếu học sinh, sinh viên, do đó phải đào tạo một số ngành mới vốn không phải là thế mạnh của trường, vì vậy dần mất đi tính hấp dẫn đối với người học. Về vấn đề nay, PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT đánh giá, việc đào tạo đa ngành là yêu cầu bắt buộc đối với các trường đại học hiện nay, nó giải quyết được các vấn đề như: cho phép sinh viên chuyển đổi ngành đào tạo - thế mạnh của trưởng đa ngành mà không trường chuyên ngành nào làm được. Đồng thời, việc đào tạo đa ngành cho phép kết hợp các nguồn lực từ các ngành khác nhau để xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo mang tính liên ngành và xuyên ngành; cho phép kết hợp các nguồn lực để tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng cao mang tính liên ngành. Với ý nghĩa đó, Trường Đại học GTVT đã và đang thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học đa ngành. Việc triển khai được thực hiện có lộ trình, bài bản trên cơ sở thế mạnh của trường để phát huy được nguồn lực về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.