Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2023 đạt trên 8%

26/03/2023 10:28
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị lần thứ 34 để đánh giá tình hình kết quả công tác quý I, thảo luận nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023.

 

Giữ ổn định tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo tại Hội nghị, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của Quảng Ninh có nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 8,04%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ. Nhờ kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh, ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi tốt, đóng góp 4,04 điểm %, chiếm tỷ trọng 30,6% trong GRDP; tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Tỉnh đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, là cơ sở quan trọng để triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực.

Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2023 đạt trên 8%

Quang cảnh hội nghị

Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí của Trung ương. Toàn tỉnh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; không có huyện nghèo, xã nghèo. Toàn tỉnh có TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo.

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, thì cần tập trung vào ba trụ cột tăng trưởng là tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công; quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội; thu hẹp chênh lệch vùng miền và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.

Giữ vững sự ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành Than gắn với thúc đẩy tối đa sự phát triển của ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng điểm là Quảng Yên.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, trung tâm logistics. Trước mắt là khẩn trương xây dựng tuyến vận chuyển hàng giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.

Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng Kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính,...

Triển khai một số dự án động lực

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất đưa 3 công trình gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đường 342 nối TP. Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn và tuyến đường kết nối QL 279 (Quảng Ninh) với đường tỉnh 291 (Bắc Giang) thành những công trình động lực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hạng mục xuống cấp và quá tải so với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Trong khi diện tích hiện tại rất chật hẹp, không còn khả năng mở rộng, nâng cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương ưu tiên dành toàn bộ quỹ đất 33,16 ha của Nhà máy sàng tuyển than Nam cầu Trắng để xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thu hút đầu tư các công trình y tế, giáo dục và công cộng khác cho sau này.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh sẽ được xây mới tại khu vực Nhà máy sàn tuyển than Nam Cầu Trắng.

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 1.500 giường bệnh, diện tích sử dụng đất từ 15-20ha và hạ tầng kỹ thuật của khu vực là 30,25 ha. Thời gian dự kiến triển khai dự án từ năm 2023-2025 từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác. Với dự án này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu phải tính toán kỹ phương án để hướng mục tiêu xây dựng bệnh viện trở thành mô hình bệnh viện xanh, tiêu chuẩn quốc tế, mô hình bệnh viện thông minh.

Dự án đường tỉnh 342 nối TP. Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn có chiều dài 20,9km. Với tuyến đường này, Lạng Sơn sẽ có thêm một tuyến đường ra biển gần hơn 50 km so với Quốc lộ 4B hiện nay.

Dự án có chiều dài 20,9km, đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342; điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405). Đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khởi động, ra quân thi công đường tỉnh 342, nối TP. Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, quyết tâm hoàn thành trong tháng 10/2023 để đưa vào khai thác nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10/(1963-2023).

Một đoạn tuyến trong phương án thiết kế đường 342 nối TP. Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn.

Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ. Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và ATGT... Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Đối với dự án đường nối QL 279 (tỉnh Quảng Ninh) với đường 291 (tỉnh Bắc Giang), dự án có chiều dài toàn tuyến trên 8km; xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h. Đây cũng là dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối vùng giữa Quảng Ninh và Bắc Giang; góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, du lịch của hai địa phương. Hiện dự án đang được lên phương án đầu tư.

Theo Nguồn baomoi.com

Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2023 đạt trên 8% - Kinh Tế